Đái tháo đường là căn bệnh không lây nhiễm. Nếu cha hoặc mẹ của bạn mắc bệnh, ngay lập tức, bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “Phải làm gì để giúp ba mẹ mình kiểm soát được tiểu đường?”. 

Nhưng vẫn còn một câu hỏi cũng không kém tầm quan trọng: “Phải làm gì để hạn chế nguy cơ cho mình?” Vì sao phải làm việc đó? 

Thật khó để xác định phần trăm nguy cơ đến từ di truyền hay các yếu tố trong lối sống. Đặc biệt là chế độ ăn uống, vận động và cả những ảnh hưởng từ thói quen xấu từ cha mẹ. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu người cha mắc bệnh đái tháo đường, nguy cơ mắc bệnh của người con tăng khoảng 30%, nguy cơ này sẽ cao hơn nếu người mắc bệnh là mẹ. 

Nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh đái tháo đường type 2, nguy cơ người con mắc bệnh tăng khoảng 50%. Nếu cha và mẹ của bạn được chẩn đoán bệnh trước 50 tuổi, khả năng bạn mắc bệnh cao hơn so với được chẩn đoán sau 50 tuổi.

Tất nhiên là bạn không thể thay đổi tính di truyền từ cha mẹ. Tuy nhiên,  bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bằng các biện pháp sau: 

  1. Cân bằng chế độ ăn uống

Các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu, để cơ thể không phải làm việc quá sức trong kiểm soát lượng đường trong máu. Chế độ ăn hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất được ưa chuộng hiện nay là 50:25:25. Tức là trái cây và rau quả chiếm khoảng một nửa bữa ăn, 25%  khẩu phần là carbohydrate (tinh bột, tốt nhất là ngũ cốc nguyên hạt) và 25% còn lại là protein. 

  1. Duy trì cân nặng hợp lý

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Lancet chỉ ra rằng, giảm khoảng 7% trọng lượng cơ thể và tập thể dục vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến 58%.   

  1. Tập thể dục đều đặn

Khi tập thể dục, các tế bào sẽ mở ra cánh cửa để tiếp nhận tất cả loại đường trong máu. Vì vậy, nó giống như một loại thuốc tự nhiên giúp hạn chế tình trạng tăng đường huyết, tốt cho bệnh nhân tiểu đường và những người có yếu tố nguy cơ. 

  1. Lên chương trình tầm soát đái tháo đường định kỳ

Tầm soát sớm giúp chúng ta chủ động phát hiện giai đoạn tiền đái tháo đường. 

Sự tiến triển đến bệnh tiểu đường có thể bị trì hoãn hay được ngăn ngừa vĩnh viễn, nếu việc điều trị được tiến hành ngay từ khi bị tiền đái tháo đường. 

Bác sĩ sẽ thực hiện một trong các xét nghiệm dùng để chẩn đoán đái tháo đường bao gồm: 

Đường huyết buổi sáng lúc đói  

HbA1C 

Nghiệm pháp dung nạp glucose 

Đường huyết bất kỳ 

Nếu có bất thường, bạn cần được thực hiện lại lần thứ 2 vào một ngày khác trong vòng 1 – 7 ngày, hoặc kết hợp các xét nhiệm khác nhau được thực hiện trong cùng một ngày để chẩn đoán. Nếu như kết quả xét nghiệm bình thường, xét nghiệm lại ít nhất 3 năm một lần. 

Nếu có ba mẹ mắc bệnh tiểu đường, bạn nên thảo luận với anh chị em trong nhà để cùng nhau làm ngay 4 điều nhé! 

  • Cân bằng chế độ ăn uống 
  • Duy trì cân nặng hợp lý 
  • Tập thể dục đều đặn 
  • Tầm soát đái tháo đường định kỳ 

 Nguồn: Ngaydautien.vn 

 >> Xem thêm: Những việc cần làm ngay khi phát hiện bị đái tháo đường