Bệnh nhân đau thắt ngực, suy tim có thể bị choáng, say nắng hoặc tái phát bệnh vào mùa hè, cần điều chỉnh thuốc và hạn chế đứng lâu dưới ánh nắng. 

Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trời nóng khiến cơ thể rất vất vả để giữ nhiệt độ toàn thân ở trạng thái bình thường và có thể tăng thêm gánh nặng cho tim, phổi và thận. Tức là bệnh nhân tim mạch có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn vào mùa hè. 

Trong đó, bệnh nhân đau thắt ngực cần cẩn thận hơn khi trời chuyển nóng nếu đang sử dụng thuốc xịt GTN để kiểm soát cơn đau. Lý do là thuốc này có thể làm giãn mạch máu nhanh chóng, gây tụt huyết áp đột ngột khiến người bệnh choáng, ngất xỉu. 

Đối với người bệnh suy tim, cần chú ý tới lượng nước nạp vào cơ thể trong mùa hè. Bệnh suy tim khiến sức bơm của tim yếu đi khiến nước bị giữ lại trong cơ thể, do đó người bệnh thường được yêu cầu uống ít nước hơn. 

Thông thường, người bệnh suy tim không nên uống quá 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm lượng nước có trong thực phẩm và tối đa 1 lít một ngày với bệnh nhân suy tim nặng. Vào mùa hè, người bệnh nên tham vấn bác sĩ về lượng nước phù hợp và cách giữ mát trong mùa hè, có thể điều chỉnh thuốc khi cần thiết. Cách tốt nhất là mọi người uống nước khi cảm thấy khát. Nếu thấy nước tiểu sẫm màu, mọi người cần bổ sung thêm nước đến khi nước tiểu trong trở lại. 

Người bệnh tăng huyết áp chú ý nhịp tim khi trời nắng nóng, do nhiệt độ cao khiến tim đập nhanh hơn, kéo theo huyết áp tăng cao. Mọi người cần uống thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc đột ngột gây nhồi máu cơ tim, tai biến. Những người đang điều trị hạ huyết áp bằng thuốc lợi tiểu lưu ý bổ sung nước, tránh nguy cơ rối loạn nước và điện giải. 

Các bệnh nhân tim mạch nên hạn chế di chuyển hoặc tập thể dục dưới nắng nóng vào thời gian từ 11h sáng đến 3h chiều. Ánh nắng gay gắt khiến cơ thể mất nước, dẫn tới tăng nhiệt độ cơ thể, có thể gây say nắng, sốc nhiệt, nguy hiểm tính mạng. 

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người khác bị sốc nhiệt, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. 

Cách giảm khó chịu khi trời nóng 

4 bước giúp bệnh nhân tim mạch cảm thấy dễ chịu hơn trong nắng nóng, nên thực hiện trong vòng 30 phút, gồm: di chuyển đến một nơi mát mẻ hơn, nằm xuống và nâng cao lên, uống nước và dùng quạt, nước mát, xịt khoáng hoặc chườm lạnh quanh nách, cổ, bẹn để làm mát cơ thể. 

Người bệnh tránh đồ uống có cồn do có thể khiến bệnh nhân tim mạch mất nước nhiều hơn. 

Ưu tiên các món ăn nguội như salad, cháo, nước ép, trái cây hoặc các thực phẩm có hàm lượng nước cao, cung cấp vitamin và khoáng chất. 

Cố gắng làm mát ngôi nhà bằng cách che các cửa sổ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời bằng rèm hoặc màn cửa. Mở cửa sổ nếu bên ngoài mát hơn trong nhà. Tắt đèn hoặc thiết bị điện không sử dụng để giảm nhiệt độ trong nhà. 

Hãy dành thời gian ở nơi mát mẻ nhất trong nhà, đặc biệt trong lúc ngủ. Mọi người nên mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để cơ thể tản nhiệt tốt hơn. 

Nếu phải di chuyển khi trời nắng, bệnh nhân nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo và thoa kem chống nắng, nên chọn tuyến đường di chuyển trong bóng râm. 

Bệnh nhân tránh vận động mạnh hoặc làm các công việc nặng nhọc khi trời nóng. Nếu cần tập thể dục, mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian, hình thức và tần suất tập thể dục phù hợp. 

Nguồn: VnExpress

 >> Xem thêm:

Sai lầm thường gặp ở người bị tăng huyết áp