Nắng nóng khiến người tiểu đường dễ tăng hoặc hạ đường huyết, ảnh hưởng đến việc sản xuất insulin nên cần kiểm tra đường huyết thường xuyên, uống nhiều nước.

BS.CKI Trần Đông Hải (khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, sức khỏe người bệnh tiểu đường không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, tái khám định kỳ… Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, tác dụng của thuốc cũng như sản xuất insulin. Do vậy, người bệnh cần nắm những nguyên tắc cơ bản để chăm sóc sức khỏe khi thời tiết thay đổi.

Thời tiết nóng khiến người bệnh khó khăn hoặc lười tập thể dục nên lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Mặt khác, người bệnh dùng insulin sẽ hấp thu nhanh hơn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Để giữ mức đường huyết và sức khỏe ổn định khi nắng nóng, bác sĩ Đông Hải hướng dẫn thực hiện theo các cách sau:

Kiểm tra đường huyết: Người bệnh thường xuyên kiểm tra đường huyết. Người bệnh nên khám định kỳ với bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn, thuốc uống phù hợp. Mang theo bánh hoặc thức ăn nhẹ khi đi ra ngoài giúp phòng tránh đường huyết giảm.

Bảo quản máy đo đường huyết: Nhiệt độ cao có thể làm sai kết quả của máy đo đường huyết và que thử. Người bệnh cần bảo quản máy đo đường huyết ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh cũng làm sai kết quả khi đo nên không nên để máy trong phòng lạnh.

Bảo quản insulin đúng cách: Insulin có thể bị hỏng dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở nhiệt độ nóng. Khi bị hư do nhiệt, insulin trong suốt thường trở nên đục hoặc sần sùi và dính vào mặt kính. Insulin đã tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đôi khi có màu nâu. Người bệnh không sử dụng insulin khi có dấu hiệu biến đổi màu sắc; bảo quản insulin trong tủ lạnh hoặc túi mát, chú ý không để trong tủ đông lạnh.

Giữ nước: Thời tiết nắng nóng gây đổ nhiều mồ hôi hoặc đường huyết tăng cao khiến tiểu nhiều gây mất nước. Người bệnh cần uống nhiều nước hơn, nên mang nước theo bên mình nếu lao động hoặc hoạt động ngoài trời. Uống nước từng ngụm không uống một lần quá nhiều nước. Không giải khát bằng nước ngọt, nước có ga hay nước ép trái cây gây tăng đường huyết. Khi ra ngoài nắng, người bệnh tiểu đường nên mặc áo dài tay, quần rộng, đội mũ và đeo kính râm. Thoa kem chống nắng ở mặt và vùng da hở từ 15 đến 30 phút trước khi ra nắng.

Nhiệt độ tăng cao khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy nóng hơn so với người bình thường. Các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Điều này dẫn đến kiệt sức vì nóng và say nắng.

Bệnh nhân tiểu đường bị mất nước nhanh hơn người thường. Do đó, nếu không uống đủ nước hoặc tăng đường huyết khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn, càng gây mất nước. Một số loại thuốc lợi tiểu trong điều trị cao huyết áp cũng làm mất nước. Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể sử dụng insulin.

Người bị kiệt sức vì nóng, mất nước thường có các triệu chứng bao gồm: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, co thắt dạ dày, da nhợt nhạt. Người bệnh cần được di chuyển đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi; sau đó, đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đường huyết có thể tăng hoặc giảm, thay đổi theo thời tiết cũng như tình trạng mỗi người bệnh. Khi thời tiết thay đổi, người bệnh nên thăm khám với bác s để được tư vấn phù hợp.

Nguồn: VnExpress