Người bị tăng huyết áp về đêm dễ gặp các biến chứng như tổn thương thận, đột quỵ, bệnh tim, nên cần có những thay đổi về thuốc và lối sống để ngăn ngừa tình trạng này.

Huyết áp có thể thay đổi theo chu kỳ sinh học và thấp hơn 10-20% vào ban đêm. Bạn được xác định bị tăng huyết áp về đêm khi có bất kỳ mức huyết áp nào trên 110/65 mmHg vào ban đêm. Một số triệu chứng của tình trạng này có thể kể đến như: ngủ ngáy, nín thở hoặc thở hổn hển khi ngủ, tiểu đêm… Tuy nhiên, nhiều người không có biểu hiện rõ ràng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tăng huyết áp về đêm, cụ thể như chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh tiểu đường, bệnh thận, ngủ kém chất lượng, ngủ không đủ giấc, thức đêm, tiểu đêm, hội chứng chân không yên. Những người từng ghép thận, lười vận động, tiêu thụ nhiều muối ăn, nhạy cảm với natri cũng có nguy cơ cao huyết áp tăng về đêm.

Người bệnh bị tăng huyết áp về đêm có thể gặp nhiều biến chứng liên quan đến sức khỏe, điển hình như nguy cơ suy thận, đột quỵ, đau tim, tử vong do bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức, suy tim.

Huyết áp cao vào ban đêm khó chẩn đoán vì nhân viên y tế không thể đo huyết áp khi bạn đang ngủ; còn đo huyết áp khi bạn tỉnh giấc thì không phản ánh đúng tính chất của loại huyết áp cao ban đêm.

Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng công cụ ABPM (theo dõi huyết áp cấp cứu) để theo dõi huyết áp về đêm. Với ABPM, vòng bít huyết áp được đeo liên tục trong 24 giờ để kiểm tra huyết áp. Dụng cụ này báo huyết áp đo được về hệ thống 15-60 phút một lần. Sau một ngày, ABPM cung cấp báo cáo huyết áp trung bình, mẫu huyết áp trong 24 giờ, kể cả lúc ngủ.

Theo các chuyên gia, điều trị tăng huyết áp về đêm tương tự như điều trị cao huyết áp nói chung. Để kiểm soát, ngăn ngừa triệu chứng, cần thay đổi về thuốc và lối sống. Người bệnh cần thăm khám, hỏi ý kiến bác sĩ về đơn thuốc hạ huyết áp trước khi dùng.

Về thay đổi lối sống, những điều chỉnh được khuyến nghị cho người bệnh bao gồm: giảm lượng muối ăn, tăng lượng kali, ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý. Người bệnh nên bỏ thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá thụ động. Nếu uống rượu, chỉ nên giới hạn một ly trong ngày nếu là nữ và hai ly mỗi ngày với nam. Người bệnh cũng cần đảm bảo kiểm soát tình trạng sức khởe cơ bản như chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh tiểu đường.

Nguồn: VnExpress