Các bài tập thể dục vào giữa buổi chiều có thể giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim tốt hơn so với tập thể dục buổi sáng, tối.

Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature Communications, phân tích thông tin sức khỏe của 92.000 người, lấy từ cơ sở dữ liệu của Anh. Những người này được theo dõi về mức độ tập thể dục.

Kết quả cho thấy những người tập thể dục vào buổi chiều có nguy cơ tử vong do bệnh tim và ung thư thấp hơn; tương tự với những người thường xuyên thay đổi thời gian tập thể dục giữa sáng, chiều, tối. Thời gian tập giữa chiều được quy định là từ 11-15h, tập thể dục buổi tối là sau 17h và buổi sáng là từ 5h.

Nghiên cứu cũng chỉ ra bất cứ hoạt động thể chất nào trong ngày đều có lợi cho sức khỏe so với không tập. Tập luyện cũng giúp giảm căng thẳng và chất béo trong cơ thể, cải thiện tâm trạng, giảm huyết áp, tăng cường trí nhớ, từ đó kéo dài tuổi thọ.

Nam giới, người cao tuổi, người mắc bệnh tim thu được nhiều lợi ích sức khỏe nhất khi tập thể dục buổi chiều. Lúc này, mọi người đã ăn sáng, uống thuốc, cơ thể không còn mệt mỏi. Đây là trạng thái tốt nhất để tập thể dục.

Thời gian buổi chiều cũng ít xuất hiện các cơn đau tim, do đó phù hợp để tập luyện. Theo tiến sĩ Randy Goodroe, chuyên khoa tim mạch can thiệp của Grand Strand Heart & Vascular Care ở Myrtle Beach (Nam Carolina, Mỹ), các cơn đau tim thường xảy ra vào buổi sáng, từ 4-10h. Lý do là các tiểu cầu trong máu dính chặt hơn và lượng adrenaline tiết ra từ tuyến thượng thận tăng lên có thể gây vỡ các mảng bám trong động mạch vành.

Đàn ông khỏe mạnh có thể tập gập bụng, chống đẩy, ép chân và các bài tập sức mạnh vào buổi chiều. Còn phụ nữ có thể tập thể dục vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Về các bài tập vào buổi chiều, các chuyên gia cho rằng mọi người không cần vạch kế hoạch tập luyện quá khắt khe. Mọi người có thể leo cầu thang bộ vào giờ nghỉ trưa, đi bộ nhẹ nhàng trong lúc đang họp trực tuyến hoặc đi bộ nhanh trong văn phòng khoảng 10-15 phút.

Nếu không có thời gian đi bộ, mọi người có thể đứng lên để tập các động tác lắc lư hoặc sử dụng dây kháng lực với các bài tập nhảy để tăng nhịp tim. Bệnh nhân tim mạch nên tham khảo ý kiến bác sĩ đẻ có bài tập và lượng vận động.

Nguồn: VnExpress