Huyết áp cao là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Một vài thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể giúp kiểm soát chỉ số huyết áp ở người bệnh huyết áp cao.

Cắt giảm muối

Muối có thể khiến cơ thể trữ nước. Điều này làm gia tăng gánh nặng lên tim và áp lực lên các mạch máu, từ đó làm tăng huyết áp. Theo khuyến nghị, người lớn không nên dung nạp quá 1,5 g muối mỗi ngày. Lượng muối này gồm cả muối được nêm trực tiếp vào món ăn và có trong các thực phẩm đóng gói sẵn.

Tăng cường thực phẩm giàu kali

Chỉ số huyết áp có thể tăng cao nếu cơ thể không có đủ vi chất này. Kali có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp bởi vì nó làm chậm tác dụng của natri (muối). Các thực phẩm chứa nhiều kali tiêu biểu bao gồm chuối, lựu, củ dền, rau bina, đậu, cà chua, cam, sữa chua và khoai lang. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ sữa: sữa ít béo hoặc không béo, nước dừa… cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào.

Tuy nhiên, người bệnh thận hoặc đang dùng một số loại thuốc có thể cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi bổ sung kali.

Chế độ ăn lành mạnh

DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) được coi là một trong những chế độ ăn điển hình dành cho người bệnh tăng huyết áp. Dựa trên nghiên cứu bởi Viện Tim, Phổi và Máu, trực thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ, chế độ ăn này khuyến khích ăn nhiều trái cây, rau củ, hạt, sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, giảm đồ ngọt và đồ uống có đường. Nhờ vậy, vừa giúp giảm huyết áp vừa giúp cải thiện cholesterol, hai yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Nếu không thể thay đổi nhiều thứ trong chế độ ăn cùng một lúc, hãy thực hiện từng bước một. Giả sử, thêm một khẩu phần trái cây hoặc rau mỗi ngày, sau đó chuyển sang một thay đổi khác có lợi cho tim.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến huyết áp, đặc biệt ở những người ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh, nghiện hút thuốc hoặc rượu. Thiền, yoga hoặc tập hít thở sâu mỗi ngày là cách loại bỏ căng thẳng hiệu quả. Bên cạnh đó, nên dành thời gian để thư giãn và thực hiện các hoạt động ưa thích.

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục vừa giúp giảm huyết áp vừa giúp giảm cân. Đặt mục tiêu duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần. Ưu tiên các bài tập aerobic có lợi cho phổi và tim. Bên cạnh đó, nhảy dây, đi bộ ngoài trời, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ đều là những cách vận động có ích với tim mạch và huyết áp.

Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát cân nặng là một trong những yếu tố quan trọng giúp điều chỉnh huyết áp. Huyết áp tăng lên khi trọng lượng cơ thể tăng lên. Do đó, giảm đi vài cân cũng có thể giúp làm hạ huyết áp.

Lớp mỡ dày ở vòng bụng cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của một người. Đối với phụ nữ, vòng eo trên 90 cm và trên 100 cm với nam là quá khổ. Theo dõi chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp người bệnh huyết áp cao duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Hạn chế rượu

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp. Rượu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị ở người bệnh huyết áp cao. Lượng rượu khuyến nghị mỗi ngày với nữ là không quá một ly và với nam giới là không quá 2 ly. Trong đó, mỗi lần uống không vượt quá 340 ml bia, 142 ml rượu vang.

Bỏ hút thuốc

Thuốc lá làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ xảy ra cơn đau tim hoặc đột quỵ. Khói thuốc làm tổn thương niêm mạc mạch máu, khiến chúng hoạt động kém hiệu quả. Hơn nữa, thuốc lá có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị huyết áp.

Nguồn: VnExpress