Các nhà khoa học xác định ba yếu tố ăn uống tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 gồm: ăn ít ngũ cốc, ăn nhiều gạo và thịt chế biến sẵn.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman tại Đại học Tufts ở Mỹ thực hiện. Họ đã xem xét yếu tố trong chế độ ăn uống và phát hiện không ăn đủ ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch và lúa mì, ăn quá nhiều gạo, bột tinh chế và thịt chế biến sẵn làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Dariush Mozaffarian, giáo sư dinh dưỡng tại Trường Friedman, cho biết nguồn carbohydrate chất lượng thấp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống bất hợp lý góp phần gây ra hơn 14,1 triệu ca mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 năm 2018 cũng như hơn 70% ca mới trên toàn thế giới.
Trung, Đông Âu và Trung Á, đặc biệt là Ba Lan, Nga, nơi có chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến và khoai tây chiên, có số ca mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao nhất.
Châu Mỹ Latinh và Caribe, đặc biệt là Colombia và Mexico, cũng tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và ăn ít ngũ cốc nguyên hạt. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tại đây vì thế tăng cao.
Nghiên cứu cũng nhận định yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2 “đa dạng và phức tạp”, gồm tiền sử gia đình, dân tộc, tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì.
Tiểu đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormone insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Bệnh tiểu đường không thể điều trị dứt điểm.
Nếu người bệnh không có chế độ ăn uống lành mạnh, vận động, uống thuốc… theo hướng dẫn của bác sĩ có thể khiến đường huyết tăng cao. Người bệnh còn có nguy cơ gặp các biến chứng như bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thận, các tình trạng lâu dài khác và có thể dẫn đến tử vong.
Người bệnh tiểu đường type 2 cần theo dõi cân nặng và có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Người bệnh có thể ăn đồ ngọt như món tráng miệng ngọt, chocolate… trong giới hạn cho phép, cân bằng với các nhóm chất khác để tránh tăng đường huyết. Tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng giúp bạn có chế độ ăn uống và dùng đường với liều lượng phù hợp.
Nguồn: VnExpress
Xem thêm:
9 nguyên nhân khiến đường huyết tăng đột biến
Thực phẩm quen thuộc giúp hạ đường huyết và huyết áp