Một số món ăn chiên, rán, nội tạng, chế biến sẵn… có hàm lượng cholesterol “xấu” cao có thể làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đột quỵ.

Những món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol là yếu tố dẫn tới xơ vữa động mạch gây ra bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ ra các món ăn mà bệnh nhân tim mạch, nhất là người bệnh rối loạn mỡ máu nên tránh.

Lagu bò, bò hầm, bít tết, giò heo hầm: Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh những người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn người ăn ít loại thịt này. Lý do là trong thịt bò, thịt heo dù trong phần nạc vẫn có chứa chất béo động vật (mỡ), nếu ăn cả lớp mỡ và da thì lượng chất béo bão hòa và cholesterol tăng gấp bội.

Các món ăn giàu đạm này thường được phục vụ kèm với bánh mì hay khoai tây, cũng là nguồn đem lại lượng lớn carbohydrate khiến bạn dễ tăng cân, tăng mỡ máu và mỡ nội tạng. Đây là những tác nhân gây ra bệnh tim mạch, các bệnh mạn tính khác. Vì vậy, những người bị bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu… cần ăn ít lượng thịt trong mỗi bữa ăn (dưới 100 g thịt mỗi bữa), mỗi ngày chỉ nên ăn một bữa thịt, còn bữa khác nên ăn cá, đậu hũ, trứng, hải sản khác.

Gan, tim, cật, phèo non… phá lấu, óc heo chưng cách thủy: Các thực phẩm này chứa nhiều chất béo no và lượng lớn cholesterol “xấu” nên cần hạn chế tối đa trong thực đơn, chỉ ăn 1-2 lần trong một tuần là tối đa.

Nem rán (chả giò), cá chiên, tôm lăn bột: Các món chiên thường được chế biến bằng cách chiên ngập dầu nên sẽ hút nhiều dầu mỡ vào thức ăn, nguồn năng lượng cao, đặc biệt các món lăn bột chiên càng nhiều dinh dưỡng. Nguồn thức ăn chiên sẵn công nghiệp thường sử dụng dầu ăn hydro hóa để sản phẩm giòn lâu không bị mềm sau chiên. Đây cũng là nguồn sinh ra trans fat là chất béo chuyển hóa xấu, nguyên nhân trực tiếp gây tăng LDL-cholesterol gây xơ vữa mạch máu. Nếu các món này ăn kèm với các loại sốt kem bơ, mayonnaise thì càng kèm theo lượng chất béo xấu.

Nếu có bệnh tim mạch, bạn không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn chả giò hay món chiên, nhưng chỉ nên ăn ít cái trong bữa và kết hợp ăn cùng rau xanh, ưu tiên hấp luộc. Gia đình nên chiên, nướng bằng nồi chiên không dầu để giảm lượng chất béo.

Giò lụa, giò thủ và các thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò lụa, giò thủ, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói… chứa hàm lượng muối, chất béo bão hòa, không tốt cho người bệnh tim mạch. Ngoài ra, những món ăn này còn chứa nhiều muối, gây tăng huyết áp nên cần hạn chế sử dụng ở người tăng huyết áp, bệnh thận, suy tim… Mỗi người nên tập ăn nhạt ít muối.

Gà chiên xù, vịt quay, heo quay: Nếu ăn gà quay hoặc gà tẩm bột chiên xù, vịt quay, thịt heo quay thì khó mà bỏ da, tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến cholesterol và bệnh tim mạch. Món chiên, quay sẽ hấp thu lượng lớn dầu mỡ trong quá trình chế biến. Da gà, vịt, heo chứa nhiều chất béo no và có hàm lượng cholesterol cao. Do đó, món ăn này cần được hạn chế tối đa để tránh nguy cơ tăng lipid máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch dẫn đến hẹp tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim.

Cơm chiên, nui xào, mì xào giòn: Người bệnh tim cần giảm lượng chất béo và lượng muối trong khẩu phần ăn. Mì xào và cơm chiên phải dùng nhiều dầu mỡ khi chế biến, trở thành những món ăn chứa hàm lượng chất béo cao. Các món này thường được kèm thêm giăm bông, xúc xích, xông khói… nhiều mỡ và muối, hoàn toàn không tốt cho người bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp…

Lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh tim mạch

Bên cạnh việc hạn chế các món ăn chứa nhiều chất béo xấu, bệnh nhân tim mạch cần ghi nhớ một số điểm sau:

Trước khi nhập tiệc 30-60 phút, bạn hãy nhấm nháp một chút thức ăn vặt lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch như các loại hạt (hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt óc chó…), trái cây ít ngọt (cam, bưởi, thanh long, táo…), sữa chua ít đường… Các thực phẩm này tạo cảm giác ngang bụng, giúp bạn ăn ít hơn vào bữa chính. Bạn nên ăn lượng rau, củ ngang bằng (hoặc nhiều hơn) lượng chất đạm và chất bột.

Bên cạnh đó, việc vận động thể chất mỗi ngày để tăng lượng HDL-cholesterol (cholesterol “tốt”), giúp giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu, tiêu hao năng lượng, tăng cơ, giảm mỡ, phòng ngừa béo phì; thúc đẩy tuần hoàn máu nhằm ngăn ngừa cục máu đông dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Thủy lưu ý thêm, những người khỏe mạnh, có lượng cholesterol bình thường, mỗi năm nên xét nghiệm cholesterol ít nhất một lần. Những người có người thân mắc bệnh tăng huyết áp, cholesterol cao, tim mạch… nên kiểm tra cholesterol mỗi 3-6 tháng.

Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có hơn 1/4 dân số trưởng thành của nước ta bị rối loạn mỡ máu, trong đó, tỷ lệ này ở dân thành thị là 44,3%. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có khoảng 71% người bệnh không biết bản thân mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát, hầu hết không biết rõ những biến chứng nguy hiểm của rối loạn mỡ máu.

Nguồn: VnExpress