Người bệnh tiểu đường thường có cảm giác đói dai dẳng, thèm ăn và không thỏa mãn sau khi ăn. Đâylà dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton – một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng do cơ thể sản xuất thừa axit trong máu. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh kiểm soát đường huyết, đồng thời giảm cảm giác thèm ăn.

Đánh lạc hướng bản thân: Những cơn thèm ăn thường đi qua nếu bạn không nghĩ đến nó. Khi thấy đói nhưng chưa đến bữa, bạn thử đọc sách, chơi một bài nhạc, gọi điện cho ai đó hoặc đi dạo một vòng quanh nhà. Những cách này giúp bạn tạm thời quên cơn đói.

Ăn thực phẩm giàu chất xơ, ít carbohydrate: Thực phẩm giàu chất xơ và ít carb lành mạnh, giúp bạn no lâu hơn và tránh tăng đường huyết đột ngột. Người tiểu đường nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dâu tây, táo, lê, các loại hạt, cà rốt, mâm xôi, quả bơ… Thực phẩm ít carb gồm trứng, thịt gà, thịt bò, cá ngừ, cá hồi…

Ngủ đủ giấc: Người bị thiếu ngủ có xu hướng đói nhanh hơn. Ngủ không đủ giấc làm thay đổi chức năng não dẫn đến cảm giác thèm đồ ăn nhiều calo. Ngủ đủ giấc tốt cho sức khỏe, nhất là người tiểu đường. Mọi người có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách tạo thói quen ngủ và thức cùng một giờ mỗi ngày, chuẩn bị không gian phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ…

Uống nhiều nước: Mọi người có thể uống nhiều nước hơn bình thường và uống nước ngay lúc cảm thấy thèm ăn. Nước có thể giúp bạn no tạm thời.

Hạn chế thực phẩm gây thèm ăn: Bạn có thể giảm cảm giác muốn ăn nếu không nhìn thấy các món ngon trước mặt. Người bệnh tiểu đường nên hạn chế thực phẩm kích thích như đồ ngọt, thực phẩm giàu chất béo, thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ đóng gói…

Tạo ra nhiều bữa ăn và bữa ăn nhẹ cân bằng: Người bệnh nên ăn uống theo một lịch trình nhất định. Phân chia bữa chính và bữa ăn nhẹ, cân đối lượng protein, carbohydrate, chất béo và chất xơ trong mỗi bữa. Cách này giúp tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng, no lâu hơn. Mọi người nên chọn các món ăn vặt lành mạnh như bỏng ngô, rong biển, chocolate đen, thạch không hoặc ít đường… trong bữa ăn nhẹ.

Nguồn: VnExpress