Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo xếp chất làm ngọt aspartame vào danh sách “các chất có thể gây ung thư cho con người”, không thay đổi khuyến cáo về mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được.
Aspartame là một trong những chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và đã có mặt trên thị trường trong nhiều thập niên. Hiện có rất nhiều sản phẩm tại Việt Nam có sử dụng chất làm ngọt nhân tạo này.
Chất tạo ngọt aspartame dùng ra sao?
Theo WHO, aspartame là chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến được tìm thấy trong hàng nghìn các sản phẩm như soda ăn kiêng, các loại sữa và đường ăn kiêng, kem đánh răng và các loại thuốc như thuốc ho, thuốc nhai…
Kết luận về chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây ung thư được các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), WHO, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) phối hợp thực hiện.
Các cơ quan này xếp aspartame vào danh sách các chất “có thể gây ung thư cho người” thuộc phân nhóm 2B sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan.
Tuy nhiên, các thí nghiệm trên động vật cho thấy chưa đủ bằng chứng để khẳng định chất này là tác nhân gây ung thư.
Theo ghi nhận trên thị trường Việt Nam, hiện nay có rất nhiều sản phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame như kẹo cao su, các loại kẹo ngọt, nước ngọt, đặc biệt là các sản phẩm dành cho người bệnh đái tháo đường như sữa. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dành cho người muốn giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng cũng chứa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame.
Ngoài ra, “đường ăn kiêng” mà thành phần chủ yếu là đường nhân tạo còn có mặt trong nhiều sản phẩm được rao bán trên mạng. Theo thông tin được quảng cáo, các viên đường sẽ có vị ngọt đậm đà, chứa calo rất thấp, do vậy không lo tích tụ mỡ thừa cũng như tăng đường huyết sau khi sử dụng. Hầu hết những sản phẩm này được rao bán với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng tùy mỗi loại.
Theo TS Phạm Hùng Vân – nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay nhiều người rất lo ngại việc sử dụng các loại đường thông thường sẽ đưa đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là đái tháo đường.
Để có thể đáp ứng nhu cầu thèm ngọt của cơ thể nhưng lại không gây hại cho sức khỏe, họ thường tìm đến những sản phẩm có chứa đường hóa học (chất tạo ngọt nhân tạo aspartame). Lý do là đường hóa học này không làm tăng lượng đường trong máu, chứa ít calo, năng lượng thấp.
Ngoài ra, các loại đường hóa học này lại có vị ngon và ngọt hơn so với các loại đường tự nhiên. Do vậy, đường hóa học hiện nay thường được sử dụng trong các sản phẩm ăn kiêng, kiểm soát cân nặng.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mỗi người chỉ được tiêu thụ từ 2-3 lon nước ngọt có chứa đường hóa học mỗi tuần. Người tiêu dùng cần phải đọc nhãn thực phẩm trước khi sử dụng để biết lượng đường mình đưa vào cơ thể.
Dùng bao nhiêu mới gây ung thư?
WHO và các cơ quan nghiên cứu khác đưa ra khuyến nghị rằng chất tạo ngọt aspartame vẫn an toàn với sức khỏe khi tiêu thụ trong giới hạn cho phép. Cụ thể, giới hạn là 40 miligam aspartame/mỗi kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay thực tế chất tạo ngọt aspartame đã từng được khuyến cáo nhiều lần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế những chất tạo ngọt này có trong nhiều sản phẩm thiết yếu hằng ngày.
Mặc dù WHO đến nay chưa đưa ra thông tin cụ thể về số lượng aspartame bao nhiêu nạp vào cơ thể sẽ gây gây ung thư. Tuy nhiên, aspartame đã được cảnh báo không lạm dụng, sử dụng quá nhiều hoặc tự ý sử dụng chất tạo ngọt này thay thế đường thông thường.
Đặc biệt, đối với những người có thói quen ăn đồ ngọt nhưng lo ngại nếu ăn đường thường có nhiều năng lượng nên có xu hướng dùng đường thay thế, việc lạm dụng chất tạo ngọt, sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ Hưng cho hay.
Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu – phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) – cho biết chất tạo ngọt aspartame, hay còn được gọi là đường hóa học, hiện nay được ứng dụng hầu hết trong các sản phẩm ngọt để ăn kiêng như bánh ngọt, kẹo ngọt, nước ngọt, các thực phẩm ăn kiêng, kẹo cao su…, đặc biệt là những loại sản phẩm dành cho người đái tháo đường.
Nguyên nhân là do đường hóa học này có chứa rất ít năng lượng, do vậy nó được cho là sẽ không làm tăng đường huyết và không gây béo phì.
Bác sĩ Hiếu cho hay đường hóa học này chỉ là loại đường thay thế cho đường tự nhiên được thêm vào trong khẩu phần ăn hằng ngày và nó còn được dán nhãn là sản phẩm phụ gia thực phẩm, việc lạm dụng hoặc tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người dân cần phải phân biệt được ngưỡng đường khuyến cáo có thể gây ra ung thư và lượng đường được khuyến nghị đảm bảo cho sức khỏe.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo hiện nay lượng đường tự nhiên (đường mía, fructose…) thường được sử dụng để thêm vào khẩu phần chỉ nên nằm dưới 10% nhu cầu năng lượng, tức khoảng 25g đường/ngày.
Những thực phẩm thay thế đường, trong đó có đường hóa học, cũng nên tuân theo các khuyến cáo trên.
Ví dụ lượng aspartame được cho là an toàn khi sử dụng chỉ nên dưới ngưỡng 8 – 12 lon nước soda để tránh nguy cơ ung thư. Nhưng lượng nước ngọt đảm bảo an toàn cho sức khỏe thấp hơn rất nhiều, chỉ vào khoảng nửa lon đến 1 lon.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, giúp người sử dụng có thể tính toán được lượng đường đưa vào cơ thể với những sản phẩm có chứa đường hóa học, phải ghi rõ trên bao bì hàm lượng được sử dụng trong sản phẩm đó ra sao.
Nếu muốn bổ sung đường nhân tạo cần phải có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt, ưu tiên ăn uống lành mạnh, sử dụng đồ ngọt hạn chế, tránh đồ ăn sẵn… để đảm bảo sức khỏe.
Nguồn: Tuổi Trẻ