Một số thói quen dưới đây có thể là nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp tăng nhưng không hạ.
Không kiểm tra huyết áp
Không kiểm tra huyết áp thường xuyên, người bệnh khó phát hiện bất thường, đánh giá hiệu quả điều trị. Người mắc bệnh này, kèm chỉ số khối cơ thể (BMI) hơn 30, lười vận động, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu, nên đo huyết áp tại nhà. Thực hiện trong phòng yên tĩnh, tinh thần thoải mái, đánh giá kết quả qua nhiều lần đo trong ngày.
Uống ít nước
Mất nước có thể làm máu đặc, cản trở lưu lượng, tăng huyết áp. Lượng nước uống hàng ngày có thể phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, cân nặng, sức khỏe tổng thể, điều kiện thời tiết, mức độ hoạt động thể chất. Nhìn chung, người trưởng thành duy trì uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để tốt cho sức khỏe.
Ăn quá nhiều muối
Lượng natri mỗi ngày khoảng 1.500 mg phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài món nêm mặn, muối cũng có trong đồ đóng hộp. Người bệnh cần chọn thực phẩm có lượng natri thấp hơn hoặc nêm ít muối khi chế biến.
Ăn nhiều calo vào bữa tối
Các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) phân tích thời gian ăn tối của 12.700 người từ 18-76 tuổi. Hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu (56,6%) thường tiêu thụ trung bình 35,7% lượng calo khuyến nghị hàng ngày cho bữa tối. Kết quả cho thấy những người tiêu thụ hơn 30% lượng calo có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 23% so với người ăn ít hơn. Nên ăn tối sớm vào các khung giờ nhất định, đa dạng thực phẩm chứa protein, chất béo, carbohydrate.
Uống quá nhiều rượu
Rượu có thể giảm căng thẳng nhưng uống nhiều khiến huyết áp tăng cao, nhất là người nghiện rượu nặng (hơn 14 ly một tuần). Thay vì uống rượu, đi bộ nhanh, thiền, yoga, nghe nhạc, xem phim giảm căng thẳng lành mạnh.
Không bổ sung đủ kali
Cân bằng natri và kali trong cơ thể giúp thận duy trì lượng chất lỏng phù hợp trong máu. Người bệnh ăn ít muối nhưng thiếu kali thì chỉ số huyết áp vẫn có thể tăng. Chuối, bông cải xanh, rau bina, bơ, khoai lang, bí ngô, các loại đậu… chứa nhiều kali, tốt cho cơ thể.
Nguồn: VnExpress