Cơm gạo lứt, salad rau không chứa tinh bột, mì ngũ cốc nguyên hạt là bữa trưa lành mạnh, ít tác động đến cân nặng và đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Bữa ăn với thực phẩm chế biến sẵn, không cân đối carbohydrate, đường có thể làm tăng mỡ, huyết áp và cholesterol. Người bệnh nên ưu tiên bữa ăn tự chế biến, sử dụng nguyên liệu lành mạnh để kiểm soát cân nặng, đường huyết. Dưới đây là 9 gợi ý bữa trưa cho người bệnh tiểu đường.
Cơm gạo lứt
Bữa trưa với 2/3 chén cơm gạo lứt, kết hợp rau như ớt xanh, hành tây, bông cải xanh, cải ngọt, cà rốt, 85-142 g protein nạc từ thịt gà, đậu phụ, đậu. Ưu tiên luộc hoặc xào ít dầu. Khẩu phần ăn này có khoảng 484 calo và 52 g carb, lành mạnh cho người bệnh tiểu đường.
Trứng luộc, hạnh nhân và cà rốt
Trứng giàu protein, mỗi quả luộc cung cấp 6,3 g protein. Người bệnh tiểu đường có thể ăn bữa trưa với hai quả trứng luộc, 1/4 cốc hạnh nhân không ướp muối, một củ cà rốt luộc. Bữa ăn cung cấp khoảng 416 calo, 22 g carb, không làm tăng đột biến đường huyết sau ăn. Nên ăn nhạt, hạn chế nước mắm.
Salad rau xanh và hạt diêm mạch
Nguyên liệu cho món salad gồm một chén rau xanh (rau bina, cải xoăn, rau cải ngọt), một cốc rau không chứa tinh bột (cà rốt, cà chua, ớt ngọt), 2/3 chén hạt diêm mạch đã nấu chín. Người bệnh nên ưu tiên sốt ăn salad ít đường, không quá 5 g đường cho mỗi khẩu phần. Món ăn này cung cấp khoảng 257 calo, 40 g carb, 5 g protein.
Salad cá ngừ, bánh mì nướng nguyên hạt
Salad cá ngừ, bánh mì nướng thân thiện với người bệnh tiểu đường. Để làm món này, bạn hãy trộn một ít cá ngừ với một quả bơ nhỏ (hoặc 1/2 quả bơ cỡ vừa), một muỗng canh mayonnaise và 1/4 chén rau xắt nhỏ (hành tây, cần tây, cà rốt, dưa leo). Hỗn hợp này ăn kèm hai lát bánh mì ngũ cốc nguyên hạt nướng. Toàn bộ khẩu phần cung cấp khoảng 326 calo, 25 g carb.
Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc
Bánh mì (sandwich) làm từ ngũ cốc nguyên hạt kẹp thịt nạc (thịt ức gà) là lựa chọn ăn trưa nhanh chóng, lành mạnh cho người bệnh tiểu đường. Tránh bánh mì trắng có nhiều calo và carb, chọn bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với khoảng 30 g carb trở xuống trong mỗi khẩu phần ăn.
Nếu thêm gia vị, không nên dùng bơ, mayonnaise và sốt cà chua bán sẵn. Những thực phẩm này làm tăng lượng calo, chất béo không cần thiết. Bạn có thể chọn mù tạt, sốt có hàm lượng natri (muối) và đường thấp. Thêm rau để bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ. Khẩu phần ăn gồm hai lát bánh mì sandwich (một bánh mì nhỏ) và hai lát thịt chứa 293 calo, 35 g carb.
Mì ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và rau
Bữa trưa với một chén mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, 85-140 g protein nạc (thịt gà, đậu phụ, thịt nạc, các loại đậu), rau không chứa tinh bột (hành tây, rau cải), 1/2 chén nước sốt cà chua loại ít muối cung cấp khoảng 538 calo, 59 g carb. Món ăn này giúp no lâu, không làm tăng lượng carb và ảnh hưởng đến đường huyết.
Súp đậu, phô mai và hạt hướng dương
Đậu gồm đậu thận, đậu xanh, đậu gà cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho tim, giảm cholesterol, giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa. Những thực phẩm này tốt cho bệnh tiểu đường nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Người bệnh nên ăn trưa với một chén súp đậu (chứa không quá 3 g chất béo, 500 mg muối), một thanh pho mát ít béo, 1/4 cốc hạt hướng dương không ướp muối. Khẩu phần cung cấp khoảng 350 calo, 29 g carb.
Pizza đế mỏng với nhiều rau
Một chiếc bánh pizza có lớp vỏ mỏng, dưới 35 cm cùng với nhân thịt gà, nhiều rau tốt cho bệnh tiểu đường. Bạn không nên ăn quá hai lát pizza cho bữa trưa. Nguyên liệu làm bằng lúa mì nguyên hạt để giảm lượng carb.
Sushi
Nếu muốn ăn hải sản cho bữa trưa có thể chọn sushi. Sushi cho người bệnh tiểu đường làm từ 2/3 chén gạo lứt, 85-140 g cá hồi hoặc cá ngừ, thêm chút rau, rong biển cuộn, nước sốt chấm nên ít muối và đường. Lượng ăn này có khoảng 320 calo, 39 g carb.
Để kiểm soát triệu chứng, người bệnh nên chọn kích thước đĩa không quá 20 cm hoặc nhỏ hơn. Chia đĩa thành 4 phần và lấp đầy 2/4 bằng rau củ quả, 1/4 protein nạc, phần còn lại là ngũ cốc nguyên hạt.
Tránh thực phẩm chiên, đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn. Ăn nhiều rau không chứa tinh bột, giàu chất xơ nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất, chất xơ giúp no lâu, làm chậm quá trình tăng đường huyết. Uống nước lọc hoặc trà không đường để tránh nạp thêm đường vào bữa ăn. Ăn chậm và điều chỉnh lượng ăn ít lại khi bắt đầu no.
Nguồn: VnExpress