Tôi bị cao huyết áp, chơi tennis khoảng 30 phút là mệt. Có phải môn này gắng sức không hợp với tôi? Người bệnh tim mạch nên tập luyện thế nào?

ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trả lời:

Anh có biểu hiện mệt sau 30 phút chơi tennis, có thể do nhiều nguyên nhân như chưa khởi động đúng cách dẫn đến căng cơ, chơi trong lúc cơ thể mệt mỏi, vận động với tần suất quá dày, bộ môn không phù hợp với sức khỏe hiện tại hoặc hẹp mạch vành đi kèm.

Anh nên tập từ mức độ nhẹ đến tăng dần. Mỗi buổi anh dành 10 phút đầu tập cường độ nhẹ, sau đó tăng dần theo tình trạng sức khỏe. Mỗi ngày khoảng 30-45 phút, duy trì 5-7 ngày trong tuần, trung bình 150 phút một tuần. Nếu trong lúc tập anh đau ngực, khó thở, choáng váng, buồn nôn… nên dừng ngay mọi hoạt động và đi khám sớm.

Trường hợp anh có bệnh tim mạch, cụ thể là tăng huyết áp nên khám chuyên khoa tim mạch để bác sĩ tư vấn bài tập phù hợp, tầm soát thêm bệnh hẹp mạch vành, bệnh van tim…

Những người tuổi 50, 60, cơ thể không còn sung sức như thuở đôi mươi, không nên chơi bộ môn đòi hỏi sức lực như còn trẻ. Khi lớn tuổi, khối lượng cơ giảm, tập thể dục giúp duy trì, thậm chí tăng khối cơ, ngăn ngừa bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường, đột quỵ não, Alzheimer, viêm khớp, loãng xương… Bài tập thăng bằng quan trọng, ngăn ngừa té ngã, duy trì sự năng động.

Người bệnh tim mạch tập luyện cần dựa trên yếu tố như tình trạng sức khỏe, sở thích, khuyến nghị của bác sĩ. Dưới đây là một số môn thể thao người bệnh có thể cân nhắc.

Đi bộ: Bài tập tăng cường thể lực, sức mạnh cơ bắp phần dưới cơ thể, chống lại các bệnh như loãng xương, viêm khớp, thoái hóa khớp.

Chạy bộ: Nếu muốn đổ mồ hôi nhiều hơn, người bệnh chạy bộ để tăng nhịp tim. Người tập chạy trên bề mặt bằng phẳng như đường mòn, cỏ, máy chạy bộ, mang giày phù hợp.

Khiêu vũ: Bài tập giúp cải thiện sức bền, tăng cường cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng. Môn này đốt cháy nhiều calo vì phải di chuyển theo mọi hướng, tạo cảm giác thư giãn, niềm vui.

Chơi golf: Lợi ích của golf phần lớn đến từ việc đi bộ. Trung bình đi một vòng sân mất hơn 10.000 bước chân, tương đương 8 km. Một cú swing còn đòi hỏi người chơi giữ thăng bằng tốt, điềm tĩnh và tập trung.

Đạp xe: Môn này tốt với người bị đau hoặc cứng khớp vì hai chân không phải chịu trọng lực của cơ thể. Đạp xe giúp máu huyết lưu thông, tăng cường sức mạnh cơ bắp ở chân và hông. Đồng thời, người chơi sử dụng cơ bụng để giữ thăng bằng, cánh tay và vai để điều khiển xe.

Cầu lông, bóng bàn: Các môn thể thao dùng vợt như cầu lông, bóng bàn góp phần tăng cường sức bền, phản ứng nhanh nhạy, giảm cholesterol xấu (LDL-C) và tăng cholesterol tốt (HDL-C). Bộ môn còn giúp xương cánh tay, thắt lưng, cổ chắc hơn. Tuy nhiên, người tập cần chú ý tần suất và cường độ tập luyện phù hợp.

Bơi lội: Khi bơi, các khớp không bị trọng lượng cơ thể đè nặng, tác động của nước giúp xây dựng cơ xương. Bơi đốt cháy calo, tăng hoạt động tim mạch giống như chạy bộ và đạp xe nhưng không làm cơ thể quá nóng. Tập thể dục dưới nước góp phần cải thiện tâm trí của người bị hội chứng mệt mỏi mạn tính hay đau cơ xơ hóa.

Yoga: Các động tác yoga góp phần tăng cường sức căng, sức mạnh của cơ bắp, gân và dây chằng giữa các xương, đồng thời giảm nhịp tim, huyết áp, giảm lo âu và trầm cảm.

Thái cực quyền: Bài tập tĩnh giúp cơ thể di chuyển từ tư thế này sang tư thế khác trong khi hít thở sâu, luyện sự thăng bằng, cải thiện sức khỏe của xương và tim, giảm triệu chứng đau và cứng khớp. Bài tập này còn giúp ngủ ngon.

Nguồn: VnExpress