Nghiên cứu mới cho thấy cười thành tiếng mỗi ngày giúp mở rộng mô tim, tăng lưu lượng oxy đi khắp cơ thể, từ đó khiến trái tim khỏe mạnh hơn.
Nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu tổ chức ở Amsterdam, hội nghị về tim mạch lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học Brazil đã chứng minh “liệu pháp tiếng cười” có thể cải thiện tình trạng tim mạch, giảm bớt các triệu chứng bệnh tim. Giáo sư Marco Saffi, Bệnh viện de Clínicas de Porto Alegre ở Brazil, đề xuất triển khai liệu pháp này tại Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (NHS) và những cơ sở khác để điều trị cho người có nguy cơ mắc bệnh tim.
Các chuyên gia đã đánh giá sức khỏe của 26 người trưởng thành, độ tuổi trung bình là 64. Những tình nguyện viên này trước đây từng được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành. Một tuần mỗi tháng, nửa nhóm được xem các chương trình hài kịch, những người còn lại xem các bộ phim tài liệu nghiêm túc về chủ đề chính trị hoặc rừng nhiệt đới Amazon.
Kết quả cho thấy nhóm xem phim hài tăng 10% lượng oxy tim bơm vào cơ thể, cải thiện khả năng giãn nở động mạch. Xét nghiệm máu cũng phát hiện dấu hiệu gây viêm của họ giảm đáng kể. Các chỉ số này cho biết lượng mảng bám tích tụ trong mạch máu và thể hiện khả năng lên cơn đau tim hoặc đột quỵ của một người.
“Các bệnh nhân bị bệnh mạch vành thường nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều dấu hiệu sinh học gây viêm. Viêm là phần quan trọng trong quá trình xơ vữa động mạch, khi mảng bám tích tụ trong động mạch”, giáo sư Saffi giải thích.
Các chuyên gia tin rằng tiếng cười giảm khả năng mắc bệnh tim bởi nó giải phóng endorphin, chất cần thiết để duy trì huyết áp khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cười nhiều cũng giữ hormone gây stress ở mức thấp, giảm căng thẳng cho tim.
“Nghiên cứu này cho thấy liệu pháp nụ cười khá hiệu quả, có thể giúp giảm tình trạng viêm, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ”, giáo sư Saffi nói thêm. Ông cho rằng phương pháp này có thể hạn chế tình trạng phụ thuộc thuốc của nhiều bệnh nhân.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn 4 chỉ số liên quan đến đau tim và đột quỵ #learnontiktok #learnwithtiktok #dautim #dotquy #hypertension #metadoc