Người bệnh tiểu đường thường tăng đường huyết vào ban đêm. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như ăn quá gần giờ đi ngủ, quên uống thuốc, tăng đường glucose trong máu vào sáng sớm… Duy trì thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ có thể kiểm soát đường huyết tốt, ngủ ngon hơn.
Ăn tối ít carbohydrate và đường
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), người bệnh nên ăn ít carbohydrate (carb) và đường trong buổi tối. Nếu ăn quá nhiều vào cuối ngày, lượng đường trong máu buổi sáng mai có thể tăng cao hơn mức bình thường.
Thực phẩm ít carb thích hợp như thịt nạc, thịt gia cầm, các loại hạt, cá. Người bệnh nên kết hợp các món này với rau không chứa tinh bột, hàm lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng như bông cải xanh, rau bina, cà rốt… Các loại carb trong khoai lang, gạo lứt, đậu, diêm mạch, lúa mạch chứa chất xơ nên mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thành đường.
Số lượng carb trong mỗi bữa ăn còn phụ thuộc vào thuốc điều trị tiểu đường. Người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ để xác định lượng carb phù hợp.
Vận động sau ăn tối
Tập thể dục giúp tăng độ nhạy insulin và giảm mức đường huyết, tác dụng này có thể kéo dài. Sau bữa ăn tối, nên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ quanh nhà hoặc thực hiện vài động tác giãn cơ, chạy bước nhỏ quanh sân… Vận động trong khoảng 30 phút để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường, giúp ngủ ngon hơn.
Vệ sinh răng miệng
Theo ADA, người bệnh tiểu đường type 2 dễ mắc bệnh viêm nướu và sâu răng do nước bọt nhiều đường hơn bình thường, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa trước khi đi ngủ để loại bỏ thức ăn và vi khuẩn, giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Rửa chân sạch sẽ
Người bệnh tiểu đường trong thời gian dài mất đi độ nhạy ở bàn chân do tổn thương thần kinh. Do đó, người bệnh ít cảm nhận được bàn chân có vết cắt, vết phồng rộp hay chấn thương khác dẫn đến nhiễm trùng.
Đường huyết cao và tuần hoàn kém làm cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn, gây khô và ngứa da. Nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ cắt cụt chi cao hơn. Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra và làm sạch chân bằng nước ấm với xà phòng, lau khô kỹ, nhất là giữa các ngón chân, băng bó vết thương (nếu có).
Bôi kem dưỡng ẩm giúp bảo vệ bàn chân. Không nên bôi kem dưỡng ẩm vào khe các ngón chân, vì độ ẩm cao khiến da hấp thụ kém có thể nhiễm trùng.
Kiểm tra đường huyết
Kiểm tra đường huyết trước khi ngủ giúp duy trì ở mức an toàn, tránh tăng hoặc hạ đường huyết ban đêm. Bạn có thể đặt nhắc nhở trên điện thoại để tránh quên vào mỗi tối.
Giảm căng thẳng
Người tiểu đường cần kiểm soát căng thẳng và chăm sóc sức khỏe tinh thần vì căng thẳng có ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Nên dành thời gian thư giãn như đọc sách, nghe nhạc… một giờ trước khi đi ngủ. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ 1-2 giờ, vì ánh sáng của thiết bị này dễ gây mất ngủ.
Vệ sinh giấc ngủ
Ngủ không đủ giấc khiến cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả hơn vào ngày hôm sau. Một số cách để ngủ ngon như đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối, giữ phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh, tránh uống trà, cà phê gần giờ lên giường.
Sắp xếp đồ dùng, thuốc cho buổi sáng
Nên lên kế hoạch trước và chuẩn bị thuốc, vật dụng cần thiết vào sáng hôm sau. Nhờ đó, người bệnh biết khi nào thuốc sắp hết và cần bổ sung, chủ động hơn trong trường hợp khẩn cấp như tăng, hạ đường huyết đột ngột vào buổi sáng.
Nguồn: VnExpress