Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, hút thuốc lá, uống rượu bia, ít tập thể dục, mắc bệnh nền sớm khiến nhiều người trẻ bị đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng mỗi năm thế giới có khoảng 16% trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi 15-49. Trước đây, đột quỵ thường gặp ở người trung niên (trên 45 tuổi), người cao tuổi (trên 65). Tuy nhiên hiện nay người đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Theo bác sĩ Liệu, tỷ lệ người trẻ đột quỵ do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não tăng 2% mỗi năm. Trong số đó, người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30%. Trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm, có khoảng 6% người ở độ tuổi trẻ dưới 45 tuổi.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Những nguy cơ không thể can thiệp như độ tuổi (càng lớn tuổi nguy cơ càng cao), giới tính, sự khác biệt do tập quán, sinh sống, chủng tộc… Nhóm nguy cơ có thể thay đổi là tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá và uống rượu bia quá nhiều…

Đối với người trẻ, nguy cơ đột quỵ có thể do nguyên nhân rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Lý do là thói quen ăn uống thiếu khoa học, ít tự nấu ăn và thường xuyên ăn ngoài, chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn… làm tăng khả năng rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao. Tỷ lệ apolipoprotein B và apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) ở người rối loạn chuyển hóa mỡ máu có liên quan mật thiết đến đột quỵ nhồi máu não và các bệnh lý não bộ khác.

Béo phì, lười vận động cũng là một nguyên nhân. Báo cáo mới của Liên đoàn Béo phì Thế giới dự đoán 51% dân số toàn cầu, tương đương 4 tỷ người, sẽ bị thừa cân trong vòng 12 năm tới. Người ngồi máy tính nhiều giờ trong ngày, ít đi lại, lười vận động, tập thể dục dẫn tới tình trạng béo phì, thừa cân cao. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30 và chỉ số vòng eo trên 80 cm có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Đây là một trong những nguyên nhân làm số người ở độ tuổi trẻ mắc đột quỵ tăng.

Theo bác sĩ Liệu, ngày càng nhiều người trẻ tăng huyết áp do chuộng thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối. Thực phẩm có hàm lượng muối cao gây ra huyết áp cao, đột quỵ.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường là yếu tố có thể dẫn đến đột quỵ. Thường xuyên ăn ngọt làm tăng nguy cơ đái tháo đường, tổn thương tế bào nội mạc. Từ đó, các phân tử mỡ chui qua lớp nội mạc vào trong dễ dàng, hình thành mảng xơ vững gây hẹp lòng mạch dẫn đến đột quỵ.

Nguyên nhân đột quỵ nữa là thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia: Thuốc lá và thuốc lá điện tử có đến hơn 7.000 chất độc hóa học có hại. Người trẻ hút thuốc lá vì nhiều lý do như giải tỏa áp lực, xã giao hay thói quen. Hút thuốc tạo điều kiện cho chất độc đi vào mạch máu, phá hủy các tế bào, xơ vữa mạch máu não và đột quỵ. Dùng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não.

Sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gây đột quỵ do thuốc tránh thai chứa estrogen liều cao làm tăng huyết áp và tăng khả năng đông máu, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở phụ nữ trẻ.

Người trẻ cũng dễ bị đột quỵ do mắc bệnh lý dị dạng mạch máu não, mạch máu não phát triển bất thường tạo thành các túi phình và dẫn đến đột quỵ xuất huyết não hoặc làm hẹp mạch máu não, gây nhồi máu não.

Bác sĩ Liệu khuyến cáo người trẻ chủ động khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ để chủ động phát hiện bệnh. Những tổn thương não ở vùng âm thầm như hẹp, phình, dị dạng mạch máu não, không gây ra triệu chứng cũng tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ. Các kỹ thuật chụp chiếu CT, MRI, DSA hiện đại có thể phát hiện sớm các bất thường này. Các kỹ thuật mới giúp sớm phát hiện đột quỵ hoặc các yếu tố nguy cơ dù là nhỏ nhất. Qua đó, bác sĩ tư vấn cách can thiệp, phòng ngừa phù hợp, tránh nguy cơ đột quỵ.

Nguồn: VnExpress