Những người có yếu tố bệnh nền, mang gen SLC2A9 và SLC22A12, hoặc thường xuyên ăn thịt đỏ, nội tạng động vật… có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.
Gout là một dạng viêm khớp, gây ra các cơn đau nhức và tình trạng viêm ở các khớp, thường là khớp ngón chân cái. Nguy cơ mắc gout sẽ tăng nếu có các yếu tố tác động đến nồng độ axit uric trong máu. Nếu được hình thành nhanh hơn mức có thể bài tiết ra khỏi cơ thể, axit uric sẽ bắt đầu tích tụ, cuối cùng tạo thành các tinh thể ở khớp, gây ra tình trạng viêm, đau và hình thành các hạt tophi.
Những người có các yếu tố dưới đây có nguy cơ mắc gout cao hơn.
Giới tính: nam giới có nhiều khả năng mắc gout hơn, nhưng ở phụ nữ, nguy cơ này lại tăng lên đáng kể sau khi mãn kinh.
Di truyền: Một số nguyên cứu gần đây cho thấy, di truyền đóng vai trò quan trọng đối với khả năng mắc gout. Các biến thể hoặc đột biến ở gen SLC2A9 và SLC22A12 liên quan đến khả năng bài tiết axit uric vào nước tiểu, từ đó dẫn đến lượng axit uric trong máu tăng và nguy cơ mắc gout cao hơn. Một số rối loạn về mặt di truyền khác cũng gia tăng nguy cơ mắc gout bao gồm: không dung nạp fructose di truyền, bệnh thận nang tủy…
Bệnh mạn tính: goài ra, một số tình trạng bệnh mạn tính cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc gout, trong đó ảnh hưởng trực tiếp phổ biến nhất là các vấn đề về chức năng thận như bệnh thận mạn. Ngoài ra một số bệnh khác thúc đẩy sản xuất axit uric trong cơ thể cũng liên quan đến gout bao gồm: bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy giáp, ung thư hạch, bệnh vẩy nến.
Lối sống cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng nguy cơ mắc gout. Những yếu tố này đều có thể kiểm soát, việc thay đổi không hoàn toàn xóa bỏ rủi ro mắc gout, nhưng có thể tác động đến tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt gout cấp.
Những người béo phì, thừa cân, nhiều mỡ thừa có nguy cơ mắc gout cao hơn. Một nghiên cứu khoa học thống kê trong số những người mắc gout cho thấy, nguy cơ mắc các đợt viêm ở người có lượng mỡ bụng nhiều là 47,4%, trong khi tỷ lệ này ở người có vòng bụng bình thường là 27,3%. Các chuyên gia cũng cho biết, những yếu tố như dư thừa mỡ nội tạng, thường xuyên uống rượu cũng gia tăng nguy cơ mắc gout.
Chế độ ăn: Thường xuyên ăn các thực phẩm, đồ uống chứa nhiều purine như nội tạng động vật, hải sản, thịt chế biến sẵn dễ phát triển bệnh gout hơn. Người thường xuyên sử dụng đồ uống có hàm lượng đường fructose cao (nước ngọt có ga và nước trái cây có đường) có thể gặp tình trạng tăng axit uric máu vì đường cô đặc làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận, từ đó tăng nguy cơ mắc gout.
Bệnh gout nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách thì nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Axit uric tích tụ trong cơ thể không chỉ gây ra gout, mà còn ảnh hưởng đến thận, mắt, tim và các hệ thống cơ quan khác trong cơ thể.
Các thuốc chống viêm như ibuprofen có thể giúp cải thiện các cơn đau cấp. Người bị gout nên trữ sẵn loại thuốc này trong nhà để dùng khi cần thiết. Thuốc có thể được sử dụng ngay khi các triệu chứng đau bắt đầu xuất hiện.
Chế độ ăn kiêng dành cho người bị gout chủ yếu là chế độ ăn lành mạnh, ít purin. Một số thực phẩm được khuyên sử dụng để kiểm soát nồng độ axit uric và giảm nguy cơ các đợt gout cấp bao gồm: trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp carbohydrate phức hợp, nước, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, cà phê, thực phẩm giàu vitamin C.
Nguồn: VnExpress