Các bài tập phù hợp có khả năng giảm đau, tăng cường năng lượng, góp phần giữ xương, khớp và cơ bắp khỏe mạnh.
Bệnh gout là một loại viêm khớp do nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao, liên quan đến việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa purin như thịt đỏ, động vật có vỏ và uống rượu bia. Việc lười vận động có thể khiến người bệnh kém linh hoạt, làm yếu cơ và khớp, thậm chí dẫn đến loãng xương. Do đó, tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn giúp kiểm soát tình trạng bệnh và thúc đẩy quá trình lành bệnh nhanh hơn. Các bài tập phù hợp có khả năng giảm đau, tăng cường năng lượng, góp phần giữ xương, khớp và cơ bắp khỏe mạnh.
Dưới đây là những hoạt động thể chất phù hợp với người bệnh gout:
Cardio
Những bài tập dành cho tim mạch giúp tăng cường chức năng phổi và khả năng sử dụng oxy để chuyển hóa axit trong cơ thể. Hầu hết bài tập như đi bộ, leo cầu thang và tập nhảy cũng tăng cường cơ bắp của phần dưới cơ thể. Người bệnh gout có thể bắt đầu với 10 phút mỗi ngày và tăng thêm vài phút những ngày sau đó. Mục tiêu là 30-45 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
Bơi lội
Bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước giúp tăng khả năng vận động và hoạt động của các khớp. Khi bạn di chuyển trong nước, áp lực lên các khớp giảm xuống, phù hợp với người bị bệnh gout hoặc mắc các bệnh viêm khớp khác. Người bệnh nên bắt đầu từ từ và sau đó tăng dần thời gian bơi lội. Điều cần nhớ là tốc độ và khoảng cách không quan trọng bằng lượng thời gian bơi. Người bệnh có thể xây dựng thói quen bằng cách bơi 15 phút, hai ngày mỗi tuần và đặt mục tiêu bơi trong 30-45 phút.
Bài tập kháng lực
Bài tập kháng lực là một hình thức luyện tập giúp cải thiện sức mạnh và sức bền của cơ bắp. Trong quá trình thực hiện các bài tập này, bạn sẽ di chuyển tay và chân để chống lại lực cản của cơ thể và dây kháng lực. Một số loại máy cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ trong các bài tập đối kháng.
Các bài tập đối kháng rất tốt cho người bệnh gout, có thể cải thiện thể chất tổng thể, tăng khả năng kiểm soát các chuyển động của cơ thể, giảm mỡ bụng… Tuy nhiên, bạn nên tập luân phiên các vùng khác nhau trên cơ thể như: dành một ngày để tập phần thân trên, một ngày tập phần thân dưới. Điều này nhằm tạo cho các cơ có thời gian phục hồi và ngăn ngừa chấn thương.
Bài tập giãn cơ
Những động tác giãn cơ giúp cải thiện tính linh hoạt và phạm vi chuyển động của các khớp cũng như giảm nguy cơ chấn thương, tăng lưu lượng máu cho cơ bắp. Bạn nên tập trung vào các nhóm cơ chính như: bắp chân, đùi, hông, lưng dưới, cổ và vai; kéo căng các cơ và khớp mà bạn thường xuyên sử dụng.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện động tác kéo giãn, bạn cần đảm bảo kỹ thuật chính xác, an toàn. Các chuyên gia khuyên không nên xem việc kéo giãn cơ là bài tập khởi động bởi có thể gây tổn thương khi kéo căng cơ. Bạn nên kéo giãn cơ sau khi tập luyện, đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe ở cường độ thấp trong 5 – 10 phút.
Bài tập giảm cân
Thừa cân và béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Do đó, các bài tập giảm cân đơn giản sẽ góp phần chống lại những triệu chứng bệnh gout dai dẳng. Sự kết hợp giữa bài tập xây dựng cơ bắp với aerobic nhịp độ trung bình sẽ có tác động tích cực. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống, dinh dưỡng nhằm thúc đẩy thói quen tập luyện. Thông thường, các bài tập giảm cân chỉ cần kéo dài khoảng 20 phút mỗi lần.
Hoạt động thể chất luôn là cách tốt nhất để giữ cơ thể khỏe mạnh, nhất là với những người mắc các căn bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong cơn đau gout bùng phát thì không nên tập luyện bởi sẽ tạo áp lực lên các khớp đang bị viêm khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu mắc bệnh gout hay đang trong giai đoạn bùng phát để có được những lời khuyên hữu ích nhằm kiểm soát cũng như cải thiện bệnh.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn Biểu hiện ở mắt chân lưỡi báo hiệu cholesterol cao #learnontiktok #momau #momaucaonenangi #giammomau #cholesterol #metadoc
@metadoc.vn Bị gout nên và không nên ăn gì? #benhgout #benhgoutchuaduockhong #gout #bigoutangi #metadoc