Ăn ít chất xơ và cá, quá nhiều đường cùng với chất béo bão hòa góp phần làm tăng lượng chất béo trung tính trong máu.

Chất béo trung tính (triglyceride) là hợp chất được cơ thể tiêu thụ và chuyển hóa để cung cấp năng lượng cho quá trình trao đổi chất. Nồng độ chất này tăng cao cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Dưới đây là một số thói quen có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu.

Ăn ít chất xơ

Chất xơ, nhất là loại hòa tan, có thể giảm cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính. Nó ngăn chặn sự hấp thụ chất béo ở ruột non, thúc đẩy loại bỏ chất béo xấu ra khỏi cơ thể thay vì đi vào máu. Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch.

Ăn uống vô tội vạ

Insulin là hormone được sản xuất trong tuyến tụy, giúp vận chuyển đường vào các tế bào của cơ thể và sử dụng nó làm nhiên liệu. Khi insulin tăng cao, cơ thể không thể sử dụng hết, lượng đường thừa làm tăng lượng chất béo trung tính.

Tình trạng kháng insulin có thể khiến lượng chất béo trung tính tăng đột biến và thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn bữa tối quá muộn, bỏ bữa… là nguyên nhân. Duy trì thời gian ăn uống đều đặn, lượng insulin được kiểm soát tốt hơn.

Tiêu thụ nhiều đường, đồ ngọt

Chất béo trung tính có trong máu do thức ăn chuyển hóa mỗi ngày và gan tạo ra. Nếu lượng calo trong cơ thể vượt quá mức cho phép dẫn đến tăng sản xuất chất béo này. Đường hay đồ ăn ngọt, nước ngọt giàu đường và calo nên hạn chế. Khi mua thực phẩm đóng gói, nên kiểm tra nhãn dinh dưỡng.

Dung nạp quá nhiều bột tinh chế

Bột tinh chế là loại đã được chế biến kỹ, loại bỏ mầm và cám để tạo ra kết cấu mịn hơn. Tiêu thụ quá nhiều bột mì tinh chế có nguy cơ tăng lượng đường trong máu và insulin, dẫn đến tăng chất béo trung tính. Thay vào đó, nên thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ gồm bánh mì nguyên hạt, mì ống nguyên hạt, gạo lứt hoặc gạo tự nhiên.

Uống nhiều rượu

Uống quá nhiều rượu (hơn hai ly đối với phụ nữ và ba ly đối với nam giới mỗi ngày) có thể làm tăng chất béo trung tính, nhất là khi kết hợp với bữa ăn nhiều chất béo và nhiều calo. Nồng độ rượu trong máu cao có thể làm chậm chuyển hóa chất béo, đẩy nhanh quá trình sản xuất chất béo trung tính.

Hút thuốc

Thói quen hút thuốc có thể tác động xấu đến tim mạch theo nhiều cách. Nó làm giảm cholesterol tốt HDL và kích thích sản xuất hormone tăng chất béo trung tính.

Ăn nhiều chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa thường có trong thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn gây tăng cân và chất béo trung tính trong máu. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa như dầu ô liu, bơ, cá béo và các loại hạt là lựa chọn lành mạnh thay món ăn chứa loại bão hòa.

Ăn ít cá béo

Axit béo omega-3 có trong các loại cá béo có thể làm giảm chất béo này bằng cách hạn chế sản xuất ở gan và đẩy nhanh quá trình loại bỏ chúng khỏi máu. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo ăn cá ít nhất hai lần một tuần, nhất là cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi có thể giữ cho tim khỏe.

Lười vận động

Thói quen lười vận động, nhất là ở người thừa cân, béo phì, góp phần tăng tích trữ chất béo xấu. Người chưa có thói quen vận động có thể tập các bài aerobic như đi bộ, đạp xe, khiêu vũ. Duy trì 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng cường vận động nhiều hơn mỗi ngày.

Nguồn: VnExpress