BS.CKI Phạm Mạnh Hoàn (Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, vào mùa đông, nhất là những ngày nhiệt độ giảm sâu, hormone ở tuyến thượng thận tự động tiết ra nhiều hơn bình thường nhằm co các mạch máu ngoại vi, giảm lưu lượng máu đến các chi, giúp giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, khi co mạch, chỉ số trương lực mạch máu sẽ tăng lên, dẫn đến tăng huyết áp – yếu tố chính gây đột quỵ.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do thời tiết, Bác sĩ Hoàn khuyên mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng các giải pháp khoa học.
Khi trời chuyển lạnh, mọi người cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ với áo khoác nhiều lớp, mũ và khăn len, găng tay, giày cổ cao… Những ngày nhiệt độ giảm sâu, rét đậm rét hại nên hạn chế ra ngoài khi không cần thiết và trang bị thêm quạt sưởi, lò sưởi để làm ấm không gian sống.
Thay vì ăn uống đồ lạnh như kem, sữa chua…, mọi người nên ưu tiên tiêu thụ những thực phẩm mới chế biến, còn nóng hổi và uống nước ấm. Vào mùa đông, tuyệt đối không tắm nước lạnh vào ban đêm, kể cả thanh niên. Bởi thời tiết chuyển mưa lạnh làm tăng hoạt động sản xuất hồng cầu và tiểu cầu để đảm bảo quá trình trao đổi chất của cơ thể. Điều này có thể khiến máu dễ vón cục, tạo thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Jena trên 1.695 bệnh nhân đột quỵ của Đức công bố trên Tạp chí Dịch tễ châu Âu cho thấy, nhiệt độ giảm 2,9 độ C trong 24 giờ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 11%. Với những người có vấn đề về tim mạch, nguy cơ đột quỵ tăng 30%.
Xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, uống nhiều rượu bia và hạn chế vận động trong mùa đông cũng là những yếu tố khiến số ca đột quỵ nhiều hơn bình thường.
Tập thể dục thể thao trong tiết trời lạnh giá có thể gặp trở ngại. Tuy nhiên, tích cực tập luyện giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Theo khuyến nghị về hoạt động thể chất của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mỗi người nên dành ít nhất 150 phút để tập thể dục mỗi tuần (ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần).
Nếu tập thể dục ngoài trời, bạn nên mặc đủ ấm. Khi cơ thể nóng lên sau một thời gian vận động, bạn có thể cởi bỏ bớt lớp áo khoác ngoài. Trường hợp cơ thể ra nhiều mồ hôi khi đang vận động ngoài trời lạnh, bạn nên dừng tập và trở về nhà. Vào những ngày buốt giá, mọi người có thể luyện tập trong nhà với các bộ môn như khiêu vũ, yoga, đạp xe cố định, chạy trên máy chạy bộ…
Ngoài việc ăn nóng, uống nóng để giữ ấm cơ thể, mọi người nên lựa chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và giàu chất xơ, vitamin. Cụ thể là trái cây tươi, rau xanh đậm, cá hồi, cá ngừ, thịt heo nạc lọc bỏ hết mỡ, thịt gia cầm đã bỏ da, dầu ôliu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt… Một người nên kiểm soát lượng muối mỗi ngày ở mức 5g. Người trưởng thành nên tránh căng thẳng quá mức, duy trì trọng lượng phù hợp, ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá và quản lý sát sao các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, đường huyết…
Song song đó, mỗi người nên chú trọng điều hòa máu não, bởi khi dòng máu lên não bị gián đoạn làm sụt giảm lượng oxy và dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng tế bào não, khiến tế bào thần kinh dần suy yếu hoặc chết đi, dẫn đến đột quỵ.
Theo bác sĩ Hoàn, giải pháp trung hòa gốc tự do bằng cách bổ sung hai dưỡng chất blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có thể giúp tăng cường máu lên não. Bộ đôi tinh chất này chứa các hoạt chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ ức chế hoạt tính của gốc tự do, nuôi dưỡng mạch máu, góp phần ngăn chặn hình thành mảng xơ vữa và cục huyết khối. Nhờ đó, chúng có thể thúc đẩy lưu thông máu lên não, cải thiện kết nối thần kinh và chức năng của tế bào bão, hỗ trợ phòng chống đột quỵ cùng các bệnh lý thần kinh khác trong mùa đông.
Người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, cholesterol cao hoặc mắc bệnh lý thần kinh, tim mạch nên tuân thủ lịch thăm khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện để tầm soát nguy cơ đột quỵ.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn 3 bước sơ cứu người có dấu hiệu đột quỵ #learnontiktok #dotquy #socuudotquy #capcuudotquy #metadoc
@metadoc.vn 5 sai lầm cần tránh khi sơ cứu đột quỵ #learnontiktok #learnwithtiktok #dotquy #socuudotquy #metadoc
@metadoc.vn Ăn thứ này ngừa đột quỵ hiệu quả #learnontiktok #dotquy #phongdotquy #socola #angiphongtranhdotquy #metadoc