Thời tiết miền Bắc rét đậm, rất nguy hại đến sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, mọi người nên tránh các sai lầm như sau:
Đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm
Trước đây ông bà thường đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm trong không gian thoáng hơn như nhà trần lợp mái, đốt ngoài trời. Hiện, nhà cửa đều xây dựng kiên cố, chưa kể mùa đông, các gia đình đều đóng chặt kín cửa, khiến oxy trong không khí hết rất nhanh. Lúc này, đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao oxy, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO.
Trong đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh, “chỉ sau vài phút, bệnh nhân bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê mà không hay biết, không còn khả năng kháng cự”.
Bác sĩ Lê Hoàn, Phó khoa Nội tiết Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm còn sinh ra lượng lớn khí carbon monoxide (CO), một loại khí độc được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, không màu, không mùi, khiến cho cái chết đến nhanh hơn. Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào.
Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), cho biết sử dụng các thiết bị sưởi ấm (nguồn cắm điện trực tiếp) có thể gây chập, cháy và lan ra vật dụng xung quanh. Trường hợp cháy, nổ trong phòng kín nguy cơ gây ngạt khí, ngộ độc khói và gây bỏng, tử vong. Tình trạng này thường xảy ra ở người già bị suy giảm ý thức, hoặc trẻ em khi sử dụng mức nhiệt độ cao trong thời gian kéo dài.
Người dân nên tìm hiểu xuất xứ, tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. Khi cắm điện nên để túi sưởi tránh xa người, không ngồi lên túi, không ôm túi quá lâu. Không vừa cắm điện vừa dùng, không nên cắm điện quá lâu. Nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay. Khi cắm điện không được ngồi gần hay đặt bất cứ thứ gì lên trên, kể cả khi đã rút điện ra. Nên kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không.
Uống rượu giữ ấm
Theo bác sĩ Hoàn, khi uống rượu, chất etanol (hay ancol etylic) trong rượu có tác dụng làm giãn mạch ngoại vi, tăng tưới máu đến da và cơ, khiến chúng ta cảm giác thấy nóng hơn nhưng không làm tăng thân nhiệt. Khi uống rượu, hệ thần kinh bị kích thích gây cảm giác hưng phấn có thể làm người ta quên đi cảm giác lạnh. Song, đây chỉ là nhất thời, không lâu dài, không làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Khi uống rượu, các mạch máu ngoại vi trong cơ thể giãn ra, cơ thể bị thoát nhiệt. Việc đột ngột tiếp xúc với thời tiết lạnh có thể khiến chúng nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp, gây đột quỵ.
Một số người có thói quen tắm sau khi uống rượu cũng là nguy cơ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, tăng huyết áp, đột quỵ.
Trời lạnh, mọi người nên cần hạn chế đi ra ngoài từ 21h đến 5h. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang… Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
Không nên tắm sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể.
Ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn Sai lầm thường gặp khi điều trị huyết áp cao #learnontiktok #sailamdieutri #tanghuyetap #tanghuyetapnguoitre #hypertension #metadoc