Các nhà tim mạch hàng đầu thế giới đã khẳng định tập luyện là một trong những phương pháp chữa bệnh bệnh tăng huyết áp hữu hiệu không dùng thuốc.
Cơ sở sinh lý của rèn luyện sức khoẻ ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hòa lượng cholesterol máu, kìm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên – kết quả là giảm huyết áp. Nhưng cần phải nhớ rằng, phải qua 2-3 tháng tập luyện thường xuyên huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, bởi vậy tập luyện đòi hỏi phải kiên trì.
Hãy tham khảo ngay 2 cách này để cân bằng huyết áp nhé
Phương pháp đi bộ nhanh: Tùy theo tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể đi bộ nhanh với tốc độ khác nhau. Nếu đạt được tốc độ 5-6km/giờ, tần số tim có thể đạt khoảng 100-110 nhịp/phút trong khi tập luyện.
Bạn nên tập hàng ngày, mỗi buổi khoảng 40-60 phút để đạt hiệu quả tốt.
Khi đi bộ nhanh đã trở thành quen thuộc và không khó nhọc nữa thì cần tăng dần cường độ vận động bằng cách chuyển sang chạy bước nhỏ để đạt được sức căng nhất định về thể lực và duy trì được hiệu quả tập luyện.
Phương pháp chạy: Đối với những người bệnh mới bắt đầu tập chạy, những buổi đầu tiên cần chạy với tốc độ thấp để cơ thể có thời gian thích ứng dần với lượng vận động. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 8-12 tuần.
Trong thời gian này có thể áp dụng phương pháp tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy. Ví dụ, 50m đi bộ nhanh + 50m chạy, buổi tập sau 100m đi bộ nhanh + 100m chạy… cho đến khi cơ thể có thể duy trì được chạy liên tục. Trong chạy, sức người tăng huyết áp không được vượt quá 180 – số tuổi trong khi tập luyện, ví dụ người 60 tuổi thì khi tập nhịp tim không được vượt quá 180 – 60 = 120 nhịp/phút.
Khi tập luyện bắt đầu cho ta cảm giác dễ chịu, cần tăng dần thời gian chạy đến 20-30 phút/buổi. Để đạt được hiệu quả tốt, cần phải tập chạy thường xuyên 3-4 buổi/tuần, cách ngày.
Chú ý, những bệnh nhân có huyết áp tăng quá 160/90mmHg thì tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp (uống thuốc trước khi tập 15-30 phút).
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai