Tôi bị tiểu đường 4 năm, thường hay quên uống thuốc tiểu đường. Lần gần đây, do quên uống thuốc, đường huyết tăng 230 mg/dL nhưng sau đó xuống 200 ml/dL.

Tôi nghe bảo đường huyết tăng quá cao gây hôn mê, tử vong. Tôi nên làm gì trường hợp này? (Ngọc Hà, 60 tuổi, Long Xuyên)

Bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trả lời:

Bệnh tiểu đường biểu hiện lượng đường huyết tăng cao. Đường huyết nên kiểm soát ở mức 80-130 mg/dL trước khi ăn và dưới 180 mg/dL sau ăn hai giờ. Nếu đường huyết tăng hơn mức này, người bệnh nên có biện pháp ổn định đường huyết.

Đường huyết từ 250 mg/dL là ngưỡng nguy hiểm, nếu có yếu tố thúc đẩy như tiêu chảy, nhiễm trùng…, có thể gây nhiễm toan ceton (nhiều axit trong máu) hoặc tăng áp lực thẩm thấu xảy ra khi đường huyết 600 mg/dL. Đây là những tình huống cấp cứu, nếu không sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong.

Trường hợp của cô, đường huyết tăng cao 230 mg/dL nhưng sau đó xuống 200 ml/dL có thể chưa nguy hiểm. Người bệnh tiểu đường quên uống thuốc khiến đường huyết tăng như cô thường gặp. Thông thường, thuốc điều trị đều kèm theo nhãn hiệu thuốc và thông tin hướng dẫn cụ thể người bệnh nên làm gì khi bỏ lỡ liều. Thuốc tiểu đường mà bác sĩ đã kê toa giúp giảm lượng đường trong máu, cô lưu ý không tự ý tăng liều khi quên uống thuốc vì có thể gây ra hạ đường huyết do quá liều hoặc các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nếu đường huyết tăng cao từ 250 mg/dL hoặc xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, uống nhiều, tiểu nhiều…, cô nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.

Để giảm nhanh đường huyết, có một số phương pháp như dùng insulin. Insulin hoạt động bằng cách di chuyển glucose (đường) từ máu vào tế bào trở thành năng lượng đáp ứng nhu cầu cơ thể ngay lập tức, giúp hạ đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh phải trao đổi với bác sĩ về lượng insulin cần dùng trong trường hợp đường huyết tăng và cách theo dõi đường huyết mao mạch để tránh hạ đường huyết quá mức.

Trong trường hợp quên thuốc hạ đường huyết nhưng chưa thể dùng thuốc hay insulin kịp thời và mức đường huyết không quá cao, người bệnh có thể áp dụng bài tập thể dục nhẹ nhàng và uống nước. Tập thể dục làm giảm đề kháng insulin và giúp cơ thể chuyển hóa glucose thành năng lượng. Quá trình này làm giảm lượng đường trong máu trong 24 giờ hoặc hơn sau khi tập thể dục.

Thời lượng hoạt động thể chất dài hơn sẽ làm giảm lượng đường trong máu nhiều hơn. Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên trước và sau khi tập để biết bài tập nào phù hợp với cơ thể nếu không may bị tăng đường huyết vào lần sau.

Nước giúp thận đào thải lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Do đó, khi bị tăng đường huyết, người bệnh nên uống nước để góp phần đưa các chỉ số về mức ổn định. Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày cũng có thể giúp người bệnh ngăn ngừa các đợt tăng đường huyết.

Tốt nhất, cô nên cho bác sĩ đang điều trị biết trường hợp của cô thường quên uống thuốc, khiến đường huyết tăng cao. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp cho cô. Nếu cô hay đãng trí thì nên cài đặt nhắc nhở như nhắc nhở trên điện thoại để uống thuốc đúng giờ.

Nguồn: VnExpress

>> Xem thêm: 4 bí quyết kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn