Nước ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh học của con người, từ chức năng não, sức khỏe thận, nhu động ruột đến làn da sáng mịn. Điều này là do nước chiếm 60 đến 70% thành phần cơ thể.
Uống đủ nước rất quan trọng với sức khỏe tổng thể. Lượng nước cần uống trong một ngày có thể khác nhau ở mỗi người.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước nên uống trong 1 ngày. Chúng có thể gồm cân nặng, tuổi tác, giới tính, cường độ vận động, tình trạng sức khỏe, bệnh tật và một số yếu tố khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một người có trọng lượng cơ thể càng lớn thì họ càng cần nhiều nước. Tập thể dục hay vận động nhiều thì nhu cầu uống nước cũng tăng. Đó là lý do vì sao nên mang theo chai nước khi chơi thể thao hay làm việc tay chân.
Ngoài ra, khí hậu và vùng địa lý cũng ảnh hưởng đến nhu cầu uống nước. Người dân ở vùng khí hậu nóng ẩm sẽ cần uống nước nhiều hơn người sống ở vùng mát mẻ.
Người mắc một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, bệnh thận cũng cần uống nhiều nước hơn người bình thường. Các bệnh khiến đi tiểu thường xuyên, đổ nhiều mồ hôi, gây sốt, tiêu chảy hay nôn mửa cũng khiến cơ thể cần uống nhiều nước hơn.
Người lớn tuổi do cơ thể lão hóa, khả năng giữ nước suy giảm nên để tránh nguy cơ mất nước, họ cũng cần uống nhiều nước. Nếu mất nước, cơ thể sẽ có các biểu hiện như khát, mệt mỏi, nhức đầu.
Nhìn chung, để xác định lượng nước tối thiểu mà một người cần uống trong một ngày thì có thể dựa vào cân nặng của họ. Mỗi kg trọng lượng cơ thể cần uống khoảng 33 ml nước/ngày. Nếu một người nặng 60 kg thì họ cần uống ít nhất 2 lít nước/ngày. Tùy theo các yếu tố khác như vận động thể thao, bệnh lý, tuổi tác, khí hậu mà có thể uống thêm.
Để biết cơ thể có đang uống đủ nước hay không thì hãy quan sát màu nước tiểu. Nước tiểu màu vàng sẫm là dấu hiệu không uống đủ nước. Nếu uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt, theo Healthline.
Nguồn: Thanh Niên
> Xem thêm:
Nắng nóng oi bức, mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước?
Uống nước cũng phải đúng cách