Ăn quá nhiều muối ảnh hưởng hệ thống tim mạch, miễn dịch. Lý do là muối chứa natri, khi nạp vào cơ thể bị dư thừa sẽ không đào thải hết mà bị giữ lại trong máu. Cơ thể dư natri sẽ bị giữ nước, tăng huyết áp, cảm giác đầy hơi, sưng húp, khiến thận phải làm việc vất vả hơn.
Dưới đây là lượng muối trung bình trong một số loại thực phẩm.
Tôm đông lạnh đóng gói, thường được thêm muối và chất bảo quản giàu natri để giảm mất nước trong quá trình rã đông. Một khẩu phần tôm đông lạnh nặng 85 g có thể chứa 800 mg natri, trong khi cùng một khối lượng tôm tươi mới đánh bắt chỉ có 101 mg natri.
Nước ép rau quả đóng hộp cũng chứa nhiều muối, ví dụ trong 240 ml nước ép, có thể chứa hơn 400 mg natri.
Pate chay làm từ protein thực vật có 370-390 mg natri trong một miếng. Còn 100 g phô mai chứa 16-1.000 mg natri tùy loại. Ngũ cốc chứa lượng muốn thấp hơn, ở mức 150-220 mg natri trong mỗi khẩu phần.
Bánh mì kẹp giăm bông có 800 mg natri cho một khẩu phần. Giăm bông được làm bằng cách ướp thịt heo với muối, quá trình này tạo ra hàm lượng natri rất cao. Tương tự, một khẩu phần xúc xích nặng 55 g chứa hơn 400 mg natri, còn một khẩu phần thịt xông khói nặng 28 g có hơn 200 mg natri.
Ngoài ra, một số loại nước sốt cũng có lượng muối cao, gồm nước mắm cá (hơn 1.000 mg), xì dầu (800 mg đến 1.000 mg), sốt miso (560 mg).
Một lát bánh pizza đông lạnh nặng 140 g mua ở cửa hàng, trung bình chứa 765 mg natri; bánh pizza do nhà hàng chế biến có cùng trọng lượng chứa nhiều muối hơn 957 mg natri.
Để giảm muối, mọi người nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn hoặc bữa ăn sẵn được đông lạnh, thực phẩm đóng hộp. Khi cần mua bữa ăn sẵn, nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng để xác định lượng muối trong sản phẩm và cân bằng với việc tiêu thụ các loại thực phẩm khác trong ngày. Ví dụ: Súp gà đóng hộp ăn liền có thể có 2.000 mg muối, tương đương lượng khuyến cáo của một ngày. Một miếng gà viên làm sẵn có thể chứa 480 mg muối, tuy nhiên để đủ no, một người thường ăn khoảng 4 miếng cho một khẩu phần nên dẫn tới nạp nhiều natri.
Với bữa ăn nhẹ, nên ăn thực phẩm giàu kali như chuối, mơ khô,… để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Một mẹo khác là chọn thực phẩm được dán nhãn “ít natri”, thường chứa ít hơn 120 mg natri trong 100 g trọng lượng.
Khi nấu ăn, mọi người nên sử dụng ít muối và nước sốt làm sẵn. Có thể dùng các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên để thay cho muối như gừng, rau mùi, rau mùi tây, nấm, cần tây, cà chua, giấm, hạt tiêu, ớt, vỏ quýt, đinh hương, quế và hoa hồi. Cắt giảm dần lượng natri sử dụng để vị giác thích nghi với thức ăn ít mặn.
Nếu phải ăn ngoài, mọi người nên yêu cầu thức ăn chứa ít hoặc không có nước sốt thịt, không thêm muối trong món ăn, không ăn món súp, hạn chế nước sốt hoặc thêm muối tại bàn, chọn cơm trắng thay cho cơm được chế biến với nhiều hơn vị.
Nguồn: VnExpress
>> Xem thêm: Các dấu hiệu tố cáo bạn đang ăn mặn