Bệnh tim không xuất hiện ở người trẻ, cần kiêng hoàn toàn chất béo, phòng bệnh bằng aspirin… là các quan niệm sai về nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không cần lo về tim mạch khi còn trẻ

ThS.BS Lê Mạnh Tăng, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người nghĩ rằng không cần lo lắng về bệnh tim mạch khi chưa đến 50 tuổi. Song đây là quan niệm sai, bệnh tim mạch có thể xuất hiện sớm do ảnh hưởng trực tiếp từ thói quen sinh hoạt. Trong đó, 7 yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm hút thuốc, lối sống tĩnh tại, cholesterol cao, huyết áp cao, đường huyết cao, thừa cân và chế độ dinh dưỡng không cân đối.

Nếu các chỉ số cơ thể tốt, mọi người vẫn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hai lần một năm để phát hiện bệnh tiềm ẩn nếu có.

Tăng cholesterol tốt là đủ

Cholesterol giúp xây dựng các tế bào khỏe mạnh, không hoàn toàn có hại. Có hai loại cholesterol gồm lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – được gọi là cholesterol “tốt” và lipoprotein tỷ trọng thấp – còn gọi là cholesterol “xấu”. Cholesterol tốt được đào thải ở gan còn cholesterol xấu tích tụ tại động mạch.

Nhiều người cho rằng chỉ cần tăng lượng cholesterol HDL thì có thể giảm đi lượng cholesterol LDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực tế, việc tăng cholesterol HDL không liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng. Thay vì cố gắng lựa chọn loại cholesterol tốt, mọi người nên áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật và chất xơ, ít chất béo bão hòa để giúp tim khỏe mạnh.

Tất cả chất béo đều có hại

Việc hấp thụ chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, song chế độ ăn ít chất béo không giúp sức khỏe tim mạch ở trạng thái tốt nhất. Chất béo lành mạnh ví dụ chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa giúp chế độ ăn uống cân bằng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Mọi người nên áp dụng chế độ ăn lấy 5-6% lượng calo từ chất béo bão hòa, tối đa khoảng 13 g chất béo bão hòa mỗi ngày.

Phòng bệnh bằng aspirin

Mọi người truyền tai nhau sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày để làm giảm đông máu, ngăn ngừa tai biến, nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, aspirin liều thấp (75-100 mg mỗi ngày) hàng ngày có thể gây hại vì thuốc khiến người bệnh bị loét và chảy máu dạ dày, ruột, não, nguy cơ tăng theo độ tuổi.

Ưu tiên các bài tập tăng nhịp tim

Bài tập khiến tim đập nhanh, nhịp thở ngắn không phải là phương pháp duy nhất giúp nâng cao sức khỏe tim mạch. Tập luyện sức bền cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện yếu tố nguy cơ tim mạch như giảm huyết áp. Người lớn nên vận động ở cường độ vừa phải tối thiểu từ 75-150 phút mỗi tuần với hoạt động thể chất hiếu khí cường độ cao để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Sống lành mạnh thì không mắc bệnh

Bác sĩ Mạnh Tăng cho biết, việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Song, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh tim. Các yếu tố khác như di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh tim có thể tăng lên khi yếu tố di truyền kết hợp với lối sống không lành mạnh, ví dụ hút thuốc lá và ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng. Vì vậy, mọi người cần nắm rõ tiền sử bệnh tật của gia đình và theo dõi kỹ các chỉ số như huyết áp, lượng choresterol để phát hiện bất thường ở tim và can thiệp kịp thời.

Nguồn: VnExpress

>> Xem thêm: Chuyện thật như đùa về sai lầm dùng thuốc điều trị tăng huyết áp