Cao huyết áp xảy ra khi tim bơm máu ở mức mạnh hơn bình thường, gây áp lực lên thành động máu. Tình trạng này khiến tim phải làm việc quá mức. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến huyết áp, kể cả uống không đủ nước.
Cao huyết áp nếu kéo dài sẽ dễ dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ. Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị cao huyết như tuổi tác, ăn nhiều muối, lười vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng…, theo Newsbreak.
Do đó, với những người bị cao huyết áp, điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh hơn có thể giúp giảm huyết áp. Ngoài ra, một nguyên nhân ít người biết là uống ít nước, khiến cơ thể mất nước cũng ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Khi cơ thể mất nước, các cơ quan sẽ hoạt động khó khăn hơn. Thận sẽ điều tiết chất lỏng bằng cách giữ lại nước và natri. Hiện tượng này sẽ dẫn đến tăng huyết áp, chuyên trang MedicineNet giải thích.
Ngoài ra, khi bị mất nước, não sẽ tiết ra nhiều hoóc môn vasopressin. Loại hoóc môn này sẽ thu hẹp các mạch máu và khiến cơ thể giữ lại nhiều natri hơn để cố gắng bù đắp lượng nước bị thiết hụt. Quá trình này cũng góp phần làm tăng huyết áp.
Tuy nhiên, nếu không uống nước kịp thời và cơ thể tiếp tục bị mất nước nghiêm trọng hơn thì thể tích máu sẽ giảm. Hệ quả là đẩy huyết áp xuống thấp.
Nếu huyết áp xuống quá thấp thì các cơ quan trong cơ thể không thể nhận đủ chất dinh dưỡng và ô xy từ máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, một số cơ quan nội tạng có thể ngừng hoạt động, theo trang Healthline.
Do đó, uống đủ nước rất quan trọng, đặc biệt là với những người có vấn đề về huyết áp. Các chuyên gia khuyến cáo để cải thiện huyết áp, người bệnh bên cạnhăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên thì cần phải tránh xa rượu bia, thuốc lá.
Nguồn: Thanh Niên