Mùa hè đến cũng là lúc các gia đình thường có những chuyến đi nghỉ dưỡng. Vậy với những người đang bị mắc bệnh đái tháo đường phải có những lưu ý gì để có một chuyến đi an toàn và khỏe mạnh. 

Theo gợi ý trên website Ngaydautien.vn với sự bảo trợ của Hội tim mạch học Việt nam, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, người bệnh cần lưu ý 7 điều sau: 

Trao đổi với bác sĩ điều trị trước chuyến đi

Cần hỏi và thảo luận với bác sĩ điều trị của mình những lưu ý cụ thể hơn khi đi du lịch, dự trù đơn thuốc trong suốt chuyến đi cũng như xin liên lạc với bác sĩ khi cần trong thời gian đi du lịch.

Chuẩn bị giấy tờ cần thiết

Ngoài các giấy tờ tùy thân cần thiết, bệnh nhân nên mang hồ sơ bệnh/ giấy khám bệnh và đơn thuốc. Trường hợp bệnh nhân cần sự hỗ trợ sức khỏe từ cơ sở y tế tại nơi du lịch, các giấy tờ sức khỏe đúng và mới nhất sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn bệnh tình của bạn. 

Nếu bệnh nhân di chuyển bằng đường hàng không, giấy tờ chẩn đoán và đơn thuốc sẽ cần thiết khi làm thủ tục sẽ giúp bệnh nhân nhận được hỗ trợ trong việc vận chuyển thuốc trên máy bay, đặc biệt là insulin.

Chuẩn bị thuốc và vật dụng y tế

Mỗi bệnh nhân Đái tháo đường sẽ có cách điều trị khác nhau, dùng thuốc khác nhau. Một số liệu pháp sẽ không dễ dàng tìm được khi di chuyển đến một nơi xa. Vì vậy, trước khi đi du lịch, hãy dự trù một kế hoạch cụ thể về thời gian. Bệnh nhân nên tính toán số thuốc mình cần dùng và lượng dự phòng thêm cho vài ngày. Trong trường hợp bạn không thể về nhà như dự định thì vẫn có đủ thuốc dùng, tránh gián đoạn điều trị.

Tìm hiểu về các cơ sở y tế tại nơi du lịch

Trong những chuyến đi xa, dài ngày, những chuyện phát sinh có thể đến rất bất ngờ. Để tìm mua thuốc phù hợp cho cá nhân bệnh nhân Đái tháo đường kịp thời có thể khá khó khăn. Bệnh nhân cần biết về các bệnh viện lớn tại địa phương trước khi đi cũng như hỏi thêm về các nhà thuốc uy tín gần nhất.

Lên chế độ ăn uống phù hợp cho cả nhà

Khi lên kế hoạch du lịch, bạn cũng cần nắm được lộ trình những nơi sắp đến và thực đơn ở đó. Nếu không đảm bảo thời gian ăn uống, hãy cố gắng tự chuẩn bị những phần ăn nhẹ tránh đói. Chủ quan ở điểm này có thể sẽ khiến bạn bị hạ đường huyết – một biến chứng cực kì nguy hiểm của Đái tháo đường. 

Ẩm thực tại địa phương cũng là một trong những vấn đề cần tìm hiểu cẩn thận vì bệnh nhân Đái tháo đường cần một chế độ ăn khắt khe hơn bình thường. Một số bệnh nhân có khả năng mau đói hoặc dị ứng với ẩm thực lạ . Thêm vào đó, ẩm thực du lịch thường là các đặc sản với cách chế biến đặc trưng, có thể không đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Tìm hiểu trước và tự lên thực đơn cũng như giới hạn khẩu phần cho bản thân sẽ giúp hạn chế các rủi ro. 

Nên tránh rượu bia và các chất kích thích. Gia đình cần phải nhắc nhở nhau để tiết chế lại việc sử dụng rượu bia.

Duy trì vận động đều đặn

Để chuẩn bị cho một chuyến đi vui vẻ và thoải mái, rèn luyện sức khỏe dần từ trước là điều cần thiết. Mỗi ngày vận động 30 phút trong 5 ngày/tuần là mức được khuyến cáo để duy trì sức khỏe. Nếu trước đây ít vận động, bệnh nhân có thể bắt đầu với mức thấp hơn. Điều quan trọng là giữ nhịp độ “đều đặn” để cơ thể quen với việc vận động và cải thiện sức bền. 

Theo dõi lượng đường trong máu

Đừng quên ghi nhật ký đường huyết bằng giấy hoặc ứng dụng trong điện thoại suốt thời gian đi du lịch cùng gia đình. Việc này sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn với thể trạng của mình cũng như điều chỉnh thực đơn, liều thuốc và hoạt động thể lực cho phù hợp. 

Nếu đi xa lệch múi giờ, lượng đường máu trong vài ngày đầu có thể chưa ổn định. Hãy duy trì theo đơn thuốc đã chuẩn bị và chờ cơ thể thích nghi. Tiếp tục theo dõi chỉ số đường huyết và các triệu chứng để can thiệp y tế kịp thời. 

 

Nguồn: Ngaydautien.vn

>> Xem thêm: Bị tăng huyết áp, đi du lịch cần chú ý điều gì?