Người bệnh tiểu đường có thể kiểm tra đường huyết nhiều hay ít hơn 3 lần mỗi ngày tùy vào loại tiểu đường; dùng thuốc mới; thay đổi chế độ ăn, tập luyện.

Người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra lượng đường trong máu (đường huyết) tại nhà. Số lần kiểm tra phụ thuộc phần lớn vào loại bệnh tiểu đường, tần suất sử dụng insulin.

Bệnh tiểu đường type 1 là một rối loạn di truyền và những người mắc bệnh này sử dụng insulin hàng ngày hoặc nhiều lần trong ngày để quản lý glucose (đường). Bệnh tiểu đường type 2 là một rối loạn chủ yếu do lối sống, có thể theo dõi đường huyết ít hơn tiểu đường type 1. Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh.

Mục tiêu điều trị

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị nên kiểm tra lượng đường trong máu ít nhất ba lần một ngày nếu người bệnh cần tiêm insulin nhiều lần mỗi ngày. Tuy nhiên, số lần còn tùy thuộc vào mục tiêu điều trị bệnh.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 phải tiêm insulin nhiều lần hàng ngày và cần theo dõi lượng đường trong máu đều đặn. Tuy nhiên, việc theo dõi đường huyết thường xuyên không phải lúc nào cũng hữu ích đối với người tiểu đường type 2, nhất là đối với người không dùng insulin. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn tần suất và thời điểm phù hợp.

Dùng thuốc

Một số nhóm thuốc uống có thể gây hạ đường huyết. Những người dùng insulin nhiều lần trong ngày và một sốt loại thuốc dùng để hạ đường huyết nên lưu ý theo dõi lượng đường trong máu.

Thay đổi lối sống

Nếu bạn vừa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bắt đầu dùng một loại thuốc mới, ăn các thực phẩm trước đây chưa dùng và những thay đổi khác… thì nên đo đường huyết thường xuyên hơn. Những thay đổi này có thể bao gồm tăng hoặc giảm cân, tập thể dục nhiều hoặc ít hơn hoặc đã thay đổi loại insulin sử dụng. Những người đang thay đổi chế độ điều trị nên kiểm tra nhiều lần trong ngày.

Đường huyết lúc chẩn đoán

Những người có lượng đường trong máu cao khi được chẩn đoán sẽ cần phải theo dõi đường huyết chặt chẽ. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, lượng đường trong máu của người bệnh tiểu đường trước bữa ăn cần trong khoảng 80-130 mg/dL; sau bữa ăn dưới 180 mg/dL. Người có lượng đường trong máu khoảng 500 mg/dL khi chẩn đoán lần đầu tiên phải kiểm tra nhiều lần hơn so với người có lượng đường ở mức 180 mg/dL.

Lịch sử kiểm soát đường huyết

ADA khuyến nghị thêm rằng những bệnh nhân đang đạt được các mục tiêu điều trị nên làm xét nghiệm A1C ít nhất hai lần một năm. Xét nghiệm A1C cho biết mức đường huyết trong bình trong khoảng 3 tháng qua của người bệnh. Những bệnh nhân đã thay đổi liệu pháp điều trị hoặc không đạt được mục tiêu điều trị, ADA khuyến nghị xét nghiệm A1C thường xuyên hơn.

Trường hợp kết quả A1C dưới 7% cho thấy việc kiểm soát đường huyết trong thời gian dài tương đối tốt. Người bệnh có thể đo đường huyết ít hơn nếu không dùng insulin. Bạn có thể chọn đo hai lần một ngày vào các thời điểm như trước và sau bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc trước khi đi ngủ.

Nguồn VnExpress

@metadoc.vn

Khi nào cần xét nghiệm đường huyết dù chưa có dấu hiệu tiểu đường #xetnghiemduongmau #benhtieuduong #benhtieuduongangi #tieuduongcochuaduockhong

♬ nhạc nền – metadoc.vn – metadoc.vn