Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí về giấc ngủ Sleep Medicine, cho thấy những người ngủ 8 tiếng mỗi đêm ít bị mỡ nội tạng hơn, từ đó ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường, tờ Daily Mail đưa tin.

Mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường

Quá nhiều mỡ nội tạng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa nghiêm trọng bao gồm huyết áp cao, béo phì, cholesterol cao và kháng insulin, tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ), người có nhiều mỡ nội tạng có nguy cơ bị suy tim cao hơn gấp 3 lần.

Mỡ nội tạng là loại nguy hiểm nhất, rò rỉ acid béo vào máu.

Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?

Nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu bởi tiến sĩ Panagiotis Giannos từ Đại học Imperial College London (Anh), đã sử dụng dữ liệu từ hai Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng của Mỹ, bao gồm tổng cộng 5.151 người từ 18 đến 59 tuổi, trung bình là 37 tuổi.

Kết quả cho thấy ngủ ít hơn 1 tiếng so với mục tiêu 8 tiếng mỗi đêm, làm tăng khoảng 12 gram chất béo nội tạng.

Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện thấy ngủ khoảng 8 tiếng mỗi đêm là tốt nhất để giảm nồng độ chất béo nội tạng nguy hiểm, theo Daily Mail.

Tiến sĩ Giannos cho biết: Nghiên cứu này làm nổi bật mối liên quan giữa thiếu ngủ và tăng cân, điều này rất có ý nghĩa bởi vì mỡ nội tạng có liên quan đến các vấn đề chuyển hóa như kháng insulin, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.

Trước đó, năm 2022, các nhà nghiên cứu từ Mayo Clinic (Mỹ) đã phát hiện thiếu ngủ làm tăng 9% lượng mỡ vùng bụng và tăng 11% mỡ nội tạng vùng bụng, theo Daily Mail.

Nguồn: Thanh Niên