Lượng cholesterol tiêu thụ từ thực phẩm mỗi ngày không giới hạn nhưng các chuyên gia nhấn mạnh việc chú ý đến thực phẩm bạn ăn mỗi ngày.
Theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống trước đây, các bác sĩ thường khuyên mỗi người không nên tiêu thụ quá 300 mg cholesterol trong chế độ ăn mỗi ngày. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao không nên tiêu thụ quá 200 mg.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không có giới hạn khuyến nghị cụ thể cho lượng cholesterol tiêu thụ từ thực phẩm mỗi ngày. Những thay đổi này là do nghiên cứu cho thấy bản thân cholesterol trong chế độ ăn uống không có hại và không góp phần làm tăng mức cholesterol trong máu.
Cholesterol là một chất tự nhiên được sản xuất trong cơ thể và một số thực phẩm có nguồn gốc động vật. Đây cũng là thành phần cấu tạo nên lipid máu, tham gia vào nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể. Cơ thể cần cholesterol để xây dựng tế bào và sản xuất một số hormone nhất định.
Dù không giới hạn lượng cholesterol tiêu thụ từ thực phẩm mỗi ngày nhưng các chuyên gia nhấn mạnh cần chú ý đến loại thực phẩm ăn mỗi ngày. Điều này có vai trò quan trọng để giữ cholesterol trong cơ thể ở mức lành mạnh. Theo đó, trong chế độ ăn hàng ngày nên hạn chế lượng chất béo bão hòa có hại, chất béo chuyển hóa và đường vì chúng có xu hướng làm tăng sản xuất cholesterol xấu.
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa khiến gan sản xuất quá nhiều cholesterol LDL (có hại). Chất này tích tụ trong các chất lắng đọng, làm tắc nghẽn động mạch nên Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) hạn chế lượng chất béo bão hòa chỉ ở mức 5% hoặc 6% trong tổng lượng calo dung nạp một ngày.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra tác động tiêu cực của việc ăn quá nhiều đường đối với cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. AHA khuyến nghị ăn không quá 6 thìa cà phê (100 calo) đường mỗi ngày đối với phụ nữ và 9 thìa cà phê (150 calo) đối với nam giới. Bên cạnh đó, chất béo chuyển hóa cũng nên hạn chế hoặc không ăn vì có liên quan đến chứng viêm.
Cholesterol có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm thịt, các sản phẩm từ sữa, hải sản, lòng đỏ trứng, bơ. Tôm chứa nhiều cholesterol nhưng rất ít chất béo bão hòa nên có thể thêm vào chế độ ăn uống lành mạnh cho trái tim.
Thực phẩm không chứa cholesterol bao gồm: trái cây, rau, các loại hạt, ngũ cốc. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và nên hạn chế bao gồm: đồ chiên rán, bánh gồm bánh ngọt, bánh nướng và bánh quy, bơ thực vật, bỏng ngô, kem.
Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa lành mạnh mà bạn nên ăn bao gồm: dầu ô liu, đậu phộng, dầu cải, dầu hướng dương, bơ, các loại hạt đặc biệt là quả óc chó, hướng dương, hạt chia.
Bên cạnh đó, khi mua các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, bạn cũng nên chú ý đến thành phần dinh dưỡng và hàm lượng của phẩm. Nhãn dinh dưỡng cho biết hàm lượng chất dinh dưỡng hoặc chất béo có trong thực phẩm đó dựa trên khẩu phần khuyến nghị. Đây cũng là lưu ý quan trọng để duy trì mức cholesterol ở mức thấp và giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn Chỉ số mỡ máu với người đái tháo đường #chisomomau #benhdaithaoduong #chisoduonghuyet #momaucao #metadoc