Người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên học cách theo dõi lượng đường trong máu, tìm hiểu cách dùng thuốc, lên kế hoạch điều chỉnh ăn uống.

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất, không thể sử dụng đủ lượng insulin cần thiết chuyển hóa thành năng lượng. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và có biện pháp kiểm soát sớm, bệnh dễ gây ra các biến chứng về mắt, tim mạch, thận, thần kinh… Dưới đây là một số việc mà người bệnh có thể thực hiện khi phát hiện mắc tiểu đường.

Trao đổi với bác sĩ: Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc cần thiết giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ giải đáp cho bệnh nhân về tác dụng, liều lượng và thời điểm uống thuốc phù hợp. Người bệnh có thể biết được những tác dụng phụ có thể xảy ra, tương tác với các loại thuốc khác.

Theo dõi lượng đường trong máu: Người bệnh nên học cách kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết tại nhà. Ghi lại chỉ số đường huyết, thực phẩm tiêu thụ và chế độ sinh hoạt giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết. Từ đó, người tiểu đường có thể loại trừ các nhóm hoạt động, thức ăn làm tăng đường huyết và thay đổi kế hoạch quản lý bệnh.

Thay đổi lối sống: Những thay đổi này gồm tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng phù hợp, tăng cường sức khỏe tổng thể để quản lý bệnh tiểu đường. Người hút thuốc nên bỏ thuốc, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, học cách quản lý căng thẳng…

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Người bệnh cần tuân theo chế độ ăn uống có kiểm soát để tránh tăng hoặc hạ lượng đường trong máu đột biến. Một số lưu ý gồm hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol, tránh chất béo chuyển hóa, lựa chọn thực phẩm có chất béo không bão hòa đơn. Bạn nên đặt ra tổng lượng calo được phép tiêu thụ mỗi ngày và cân đối các loại thực phẩm, tăng cường nhóm ngũ cốc và rau quả.

Nguồn: VnExpress