Uống không đủ nước mỗi ngày khiến huyết áp giảm, cơ thể tiết hormone gây căng thẳng, làm tăng lượng đường trong máu.
Theo giáo sư Robert Rizza, Đại học Y khoa và Khoa học Mayo Clinic (Mỹ), cơ thể mất nước thường uể oải, khó chịu do không thể bơm đủ máu đến tim, não, thận, cơ bắp. Mất nước nhẹ cũng có thể làm suy giảm chức năng mạch máu và điều hòa huyết áp ở người khỏe mạnh.
Với người bệnh tiểu đường, mất nước làm giảm huyết áp, thúc đẩy cơ thể tiết ra các hormone gây căng thẳng như norepinephrine, epinephrine, làm tăng lượng đường trong máu. Đường huyết cao khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn, mất nước. Vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mất nước có liên quan đến nồng độ hormone căng thẳng cortisol tăng cao, thúc đẩy giải phóng glucose (đường). Những người uống đủ nước, khoảng 2,9 lít mỗi ngày kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Phụ nữ bị tiểu đường nên tiêu thụ khoảng 2,7 lít nước, nam giới khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày. Lượng nước nên tính cả nước lọc, nước hoa quả, súp, trái cây…
Các nhà nghiên cứu của Đại học Paris Diderot (Pháp) theo dõi hơn 3.600 phụ nữ, đàn ông trung niên khỏe mạnh trong hơn 9 năm để tìm hiểu mối quan hệ giữa mất nước với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Kết quả công bố năm 2011 cho thấy những người uống ít hơn nửa lít nước mỗi ngày có nguy cơ tăng đường huyết hơn người uống gấp đôi lượng này.
Các nhà khoa học giải thích mất nước có thể dẫn đến gia tăng hormone vasopressin, khiến thận giữ nước, gan tạo ra lượng đường trong máu, ảnh hưởng đến chức năng điều chỉnh insulin theo thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, chưa có bằng chứng khẳng định mất nước tăng nguy cơ tiểu đường nhưng có thể ảnh hưởng đến kiểm soát bệnh.
Có thể dùng trái cây, thảo mộc như gừng, cam, chanh, bạc hà… để tạo hương vị cho nước, ngon miệng hơn. Luôn mang theo chai nước bên người, nhất là khi ra ngoài. Uống nước trước khi khát. Ăn nhiều món có nước thay vì khô vừa dễ ăn vừa cung cấp thêm chất lỏng cho cơ thể. Người bệnh ăn thêm bữa nhẹ với dưa hấu, một vài quả nho đông lạnh để bổ sung nước. Khi nhìn thấy nước tiểu sẫm màu thì cần uống nhiều nước hơn.
Kiểm tra lượng đường trong máu khi trời quá nóng, bổ sung thêm chất lỏng nếu mức đường huyết tăng cao. Giữ đủ nước khi nhiệt độ cao có thể làm giảm lượng đường trong máu.
Nguồn: VnExpress