Chất béo thường có trong thực phẩm thường ngày, có ba loại gồm bão hòa, không bão hòa và chuyển hóa. Mỗi loại tác động khác nhau đến cơ thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.

Chất béo không bão hòa

Có hai loại chất béo không bão hòa gồm không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Đây là những chất béo tốt, nên có trong chế độ ăn uống lành mạnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chất béo không bão hòa có thể giúp giảm LDL (cholesterol xấu) trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

Chất béo không bão hòa đơn có nhiều trong hạt hồ đào, quả phỉ, hạnh nhân, hạt vừng, hạt bí ngô, dầu ô liu, dầu đậu phộng và dầu hạt cải.

Cá, hạt lanh, dầu ngô, dầu đậu nành và dầu hướng dương có chứa chất béo không bão hòa đa. Trong đó, axit béo omega-3 mang đến nhiều lợi ích cho trái tim. Omega-3 thường có trong các loại cá như cá hồi, cá trích, sản phẩm thực vật gồm dầu đậu nành, dầu hạt cải, quả óc chó, hạt lanh.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo nên ăn hai khẩu phần cá mỗi tuần, mỗi khẩu phần tương đương 99 g cá nấu chín. Cá kiếm, cá kình chứa nhiều chất thủy ngân nên trẻ em, phụ nữ mang thai cần tránh.

Chất béo bão hòa

Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị mỗi người nên ăn ít hơn 10% lượng calo hàng ngày từ chất béo bão hòa. Loại này chủ yếu trong sản phẩm từ động vật như thịt bò, thịt lợn, sữa. Thịt gia cầm và trứng có hàm lượng trung bình.

Nếu ăn quá nhiều chất béo bão hòa tăng cholesterol xấu, làm cho mạch máu thu hẹp và gây tắc nghẽn trong các động mạch. Chất béo này cũng có thể khiến chất béo trung tính (được tạo ra từ lượng calo dư thừa và lưu trữ trong tế bào mỡ) tăng lên.

Chất béo trung tính cao có thể dẫn đến cao huyết áp, tiểu đường và các vấn đề về tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lượng chất béo bão hòa từ chế độ ăn uống không vượt quá 5-6% tổng lượng calo trong ngày.

Chất béo chuyển hóa

Đây là loại chất béo tồn tại ở dạng lỏng trong nhiệt độ phòng. Để tồn tại ở dạng thể rắn, chúng được bổ sung thêm hydro. Hàm lượng chất béo chuyển hóa cao trong món nướng, đồ ăn nhanh và bơ thực vật.

Chất béo chuyển hóa không tốt với tim, mạch máu và sức khỏe tổng thể. Tiêu thụ nhiều có thể dẫn đến tăng cholesterol xấu (LDL), giảm mức cholesterol tốt (HDL), có nguy cơ bệnh tim và đột quỵ, tiểu đường.

Nên hạn chế chất béo bão hòa và thay bằng loại tốt cho sức khỏe. Ví dụ chọn dầu ô liu thay bơ, ăn bánh mì sandwich với bơ tươi thay vì thịt xông khói, bơ đậu phộng hoặc bơ hạnh nhân có lợi hơn phô mai.

Nguồn: VnExpress