Thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội đưa thông tin về chế độ “ăn tự chữa lành” có thể chữa trị mọi bệnh tật, thậm chí cả ung thư.
Tự chữa lành bằng ăn rau, củ?
Sau trào lưu detox, thực dưỡng, thời gian gần đây trên mạng xã hội nổi lên chế độ ăn “tự chữa lành”. Theo lời quảng cáo, phương pháp ăn thô (thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến) tự chữa lành sẽ đảm nhận đánh thức tế bào miễn dịch, sửa chữa những tế bào lỗi, cải thiện sức khỏe cho mọi người, đặc biệt người bị bệnh.
Lý luận về cách ăn tự chữa lành được tài khoản Đ.K. trên mạng xã hội chia sẻ: “Nếu bạn đã từng ăn thịt cá, trứng, sữa, những đồ ăn tưởng như là tốt, giàu dinh dưỡng nhưng bạn vẫn mắc bệnh? Vậy tại sao? Nó có thật tốt không? Do mình ăn nhiều, do mình không biết cân bằng thực phẩm, do thực phẩm bẩn…
Vậy bây giờ hãy quay trở về với Mẹ thiên nhiên chữa lành vì rau củ hoa quả, nguồn thực phẩm sạch sẽ giúp bạn cải thiện chữa lành nhanh nhất”.
Thậm chí một tài khoản còn chia sẻ đã tiêu khối nhân xơ ở ngực nhờ áp dụng phương pháp “ăn tự chữa lành” trong 2 năm, cùng việc liên tiếp uống 20 quả chanh trước khi ăn sáng trong 2 tháng liền.
Phương pháp “ăn tự chữa lành” là hướng dẫn chuyển từ ăn đạm động vật sang ăn thô. Tác dụng tự chữa lành được đề cập tới là chữa khỏi ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa xương khớp…
Tác dụng thực sự thế nào?
Chế độ ăn “tự chữa lành” có thần kỳ như những gì trên mạng xã hội đang chia sẻ không?
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia), về nguyên tắc tất cả cơ thể sống cần phải có dinh dưỡng để sống. Việc quyết định số lượng, chất lượng của bữa ăn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và từng cá thể.
Ví dụ, nếu bạn muốn theo một chế độ ăn đặc biệt thì người bình thường và người có bệnh mạn tính chế độ ăn sẽ khác nhau, không có công thức chung cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, dù là chế độ ăn nào thì cùng phải điều chỉnh 3 chất sinh năng lượng theo tỉ lệ hợp lý ở mức chấp nhận được. Để làm được việc này cần phải có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn nhà giàu thực sự có tốt?
“Chế độ ăn “chữa lành” bệnh này, bệnh kia là mọi người trên mạng đang tự chia sẻ với nhau, không có một thông số để kiểm chứng”, bác sĩ Hưng nói.
Bệnh nhân ung thư thường có thể mất đi các khối cơ dẫn tới suy dinh dưỡng. Hoặc tác dụng phụ của hóa trị bệnh nhân chán ăn nên năng lượng không đưa vào đủ, cung cấp đủ protein đỡ tránh mất cơ, tăng đề kháng chống chịu với điều trị tốt hơn.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo nếu chế độ ăn chỉ thiên về một thực phẩm sẽ tạo ra sự xáo trộn dinh dưỡng trong cơ thể. Đặc biệt với những người có bệnh lý mãn tính, bệnh lý ung thư khi thực hiện bất cứ chế độ ăn nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng.
“Một chế độ ăn đúng là đủ năng lượng, cân đối các chất (tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất). Việc ăn đúng sẽ giúp cung cấp cho cơ thể hoạt động và phát triển, duy trì sức mạnh của con người, sức mạnh cơ bắp, phòng chống được nguy cơ bệnh tật.
Đối với người đã bị bệnh rồi ăn uống sẽ giúp kiểm soát được bệnh, hạn chế nguy cơ biến chứng. Còn việc điều trị bệnh thì vẫn cần tuân theo phác đồ của bác sĩ”, bác sĩ Hưng nói.
Cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư phải kiêng khem để cải thiện bệnh. Về vấn đề này bác sĩ Lê Thị Hương – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K – cho hay trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh.
“Hiểu một cách đơn giản, bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein… và chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Bác sĩ Hương cũng cho hay cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi và điều trị bệnh.
Nguồn: Tuổi Trẻ