Thời điểm ăn sáng tốt nhất là sau khi thức dậy khoảng 30-60 phút, nếu ăn muộn hoặc bỏ bữa, uống cà phê trước bữa ăn này không tốt cho tiêu hóa.
Bữa sáng giúp khởi động quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo, cung cấp năng lượng, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sau giấc ngủ dài. Bữa sáng đều đặn, đủ chất góp phần cải thiện trí nhớ, giảm cholesterol xấu (LDL), giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số thói quen ăn sáng dưới đây hại sức khỏe, nên tránh.
Bỏ ăn sáng có thể gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, đảo lộn quá trình trao đổi chất, khả năng chuyển đổi chất béo và carbohydrate. Sau khi thức dậy, bạn thường đói cồn cào do độ pH dạ dày thấp, axit dịch vị tăng. Nếu không có gì để tiêu hóa, axit dịch vị bào mòn niêm mạc dạ dày, tổn thương cơ quan này.
Đường huyết thường giảm khi đói bụng, cơ thể mệt mỏi, hiệu suất công việc thấp. Người bỏ ăn sáng có xu hướng ăn nhiều vào bữa trưa và tối, làm tăng khả năng béo phì, đầy bụng, khó tiêu.
Ăn quá nhanh nuốt vội, vừa ăn vừa làm việc khiến thức ăn không được nghiền nhỏ, dạ dày phải tăng cường độ làm việc. Thức ăn không được trộn đều với enzym tiêu hóa ở khoang miệng, tạo cảm giác khó nuốt.
Một số loại rau củ quả nếu nhai không kỹ có thể dẫn đến khó tiêu hóa, khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Ăn quá nhanh dễ trào ngược dạ dày.
Ăn quá sớm hoặc quá muộn có thể gây áp lực lên dạ dày, đảo lộn thời gian ăn các bữa khác trong ngày. Theo bác sĩ Khanh, mọi người nên có thói quen ăn sáng theo giờ cố định để tạo phản xạ có điều kiện cho cơ thể. Ăn sáng đều đặn giúp kiểm soát khẩu phần ăn vào bữa trưa và bữa tối, ổn định đường huyết. Thời điểm ăn sáng tốt nhất là sau khi thức dậy khoảng 30-60 phút.
Ăn, uống đồ lạnh vào bữa sáng có thể giảm lưu thông máu đến dạ dày, ruột, mạch máu co lại, làm chậm quá trình tiêu hóa, tốc độ trao đổi chất bị ảnh hưởng. Bụng có xu hướng co thắt, cứng, gây đau khi tiếp nhận thực phẩm lạnh.
Thức ăn, đồ uống ấm cho bữa sáng góp phần giãn mạch máu trong ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, hỗ trợ quá trình hấp thụ dinh dưỡng. Uống một cốc nước lọc ấm trước khi ăn sáng để kích hoạt hệ tiêu hóa và thanh lọc cơ thể.
Uống cà phê trước bữa ăn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến bỏ bữa sáng.
Không chú ý chế độ dinh dưỡng: Bữa sáng nên cung cấp từ 25% tổng lượng năng lượng hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh. Người trưởng thành chọn món ăn sáng cung cấp khoảng 300-500 kcal, cân đối đủ 4 nhóm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Nên ưu tiên protein nạc trong các loại hạt, trứng, phô mai, thịt nạc và cá… Hạn chế thức ăn nhanh, bánh ngọt, thực phẩm nhiều đường và chất béo bão hòa. Bữa sáng lành mạnh như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt kết hợp với một quả trứng và một quả bơ; ngũ cốc nguyên hạt kèm hoa quả, sữa chua không đường; bún phở, cháo ăn kèm rau xanh.
Nguồn: VnExpress