Dưới đây là một số sai lầm mà người bệnh gout hay mắc phải:
Điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi bệnh gout: Sai.
Khi bạn uống thuốc và hết đau thì chỉ là tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Bệnh gout có diễn biến mạn tính, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí trên dưới 10 năm. Các khuyến cáo đều khuyên nếu người bệnh ổn định về mặt lâm sàng và acid uric-máu trở về bình thường thì vẫn tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi và trong 6 tháng nếu đã có tophi.
Ăn kiêng triệt để: Không hoàn toàn đúng. Vì acid uric vẫn đến từ nguồn nội tại trong cơ thể. Tuy nhiên cũng nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật, các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc và các loại hạt, rượu, bia…
Nước ngọt có ga an toàn với người bị gout: Sai.
Vì các loại nước ngọt có ga làm tăng acid uric trong máu, không thua kém gì bia. Người bệnh cần kiêng nước ngọt có ga, nhất là khi dùng với hải sản.
Bệnh gout không nguy hiểm đến tính mạng: Sai. Vì người bệnh có nguy cơ mắc thêm bệnh lý thận có thể dẫn đến sỏi thận, suy thận. Tỷ lệ bệnh lý tim mạch tăng cao ở người bị gout và có thể gây ra các biến cố tim mạch chết người.
Chỉ có đàn ông tuổi trung niên là mắc bệnh gout: Sai. Mặc dù bệnh gout hay gặp nhất ở đàn ông trung niên tuổi trên 40, nhưng với các chuẩn sinh hoạt được cải thiện, chế độ ăn purine cao, và tỷ lệ tiêu thụ rượu bia khủng như ở nước ta hiện nay thì bệnh gout có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ sau mãn kinh khi hàm lượng estrogen giảm mạnh nên cần chú ý thói quen sinh hoạt phòng ngừa bệnh gout.
Người giàu có chế độ ăn giàu đạm mới mắc gout: Sai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy người nghèo cũng có tỷ lệ bệnh gout cao như mọi người, giàu nghèo đều có thể bị bệnh.
Bệnh gout phải có dấu hiệu acid uric-máu cao: Không hoàn toàn đúng. Chỉ có khoảng 10% số người có acid uric trong máu cao bị bệnh gout. Nhiều người đi thử máu thấy có hàm lượng acid uric cao và cho rằng đương nhiên họ sẽ mắc bệnh gout. Khi điều trị, người bệnh acid uric- máu cao thường mong cho hàm lượng acid uric-máu giảm xuống. Tuy nhiên, acid uric sụt giảm có thể làm nặng thêm cơn bệnh gout, vì sụt giảm đột ngột do lắng đọng các tinh thể urate không hòa tan bên trong các khớp và mô chung quanh. Điều này khởi xướng tình trạng viêm khớp di căn. Do đó trong điều trị, thường người ta bắt đầu bằng các liều nhỏ thuốc làm giảm acid uric và tăng dần lên tới liều đầy đủ.
Các kháng sinh có thể chống lại gout: Sai. Các kháng sinh thực tế không có tác dụng gì đến chuyển hóa của acid uric. Sự áp dụng khoa học và hợp lý việc điều chỉnh các thuốc chuyển hóa acid uric, giúp khôi phục sự thăng bằng của chuyển hóa acid uric trong cơ thể mới là các nguyên lý của điều trị.
Có thể điều trị gout trong thời kỳ ngắn: Điều trị ngắn hạn chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng và theo thời gian bệnh sẽ quay trở lại. Do đó, trị gout phải có kế hoạch dài hạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh gout không gây hại cho thận: Sai.
Người bệnh chỉ quan tâm đến các triệu chứng của khớp và acid uric mà không đánh giá xem các thận bị hư hại ra sao. Gout không chỉ làm tổn thương đến các khớp mà có thể sinh ra các tinh thể nhỏ ở trong thận gây sỏi thận, suy thận. Do đó, người bệnh phải lưu ý thử các chức năng thận để phát hiện kịp thời.
Một số người tin nước ép trái dưa leo hoặc một số cây như cây đất nở hoa hay một số bài thuốc đăng trên cộng đồng mạng có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh gout. Thực tế hiện nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các biện pháp trên điều trị khỏi bệnh.
Nguồn: VnExpress