Đau cổ vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ, có thể xảy ra ở nhiều người, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến vận động, sinh hoạt hàng ngày.
BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết đối với những trường hợp đau cổ vai gáy từ nhẹ đến trung bình, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà dưới đây.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Chườm nóng giúp nới lỏng các cơ bị căng và thúc đẩy tuần hoàn máu. Đây là cách chữa đau mỏi cổ vai gáy đơn giản nhưng giảm đau hiệu quả.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng đau mỏi vai gáy kèm theo căng cơ, sưng mô mềm, thì đó có thể là do chấn thương hoặc viêm. Lúc này, chườm lạnh là một giải pháp hữu ích. Người bệnh có thể chườm lạnh 2-3 lần mỗi ngày, 15-20 phút mỗi lần.
Giãn cơ vùng cổ
Thực hiện 2 bài tập đơn giản:
Bài tập 1: Đẩy cằm về phía trước rồi từ từ gập về phía cổ họng. Sau đó nâng cằm lên và giữ cằm song song với sàn nhà, thực hiện 10 lần mỗi giờ.
Bài tập 2: Đứng thẳng, hơi uốn cong lưng trên. Sau đó cuộn vai theo vòng tròn nhưng không di chuyển cánh tay, thực hiện 10 lần và đổi hướng.
Nghỉ ngơi thư giãn
Triệu chứng đau cổ vai gáy thường mang tính chất cơ học, cơn đau sẽ tăng lên khi vận động cột sống cổ, ngồi lâu, di chuyển cổ sai cách hoặc đi lại nhiều. Do đó, để giảm đau nhức, người bệnh nên tạm dừng các việc đang làm và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi
Ngoài ra, khi tâm lý căng thẳng được giải tỏa, tình trạng căng cơ ở cổ và vai cũng được cải thiện đáng kể. Vì vậy, người bệnh có thể tìm đến các bài tập yoga, thiền… để thư giãn tinh thần.
Cải thiện môi trường làm việc
Vì tính chất công việc phải ngồi một chỗ và thao tác máy tính trong thời gian dài nên giới văn phòng là một trong những đối tượng dễ bị cơn đau cổ vai gáy tấn công nhất. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên điều chỉnh ghế ở tư thế thoải mái, lòng bàn chân đặt lên sàn và giữ đầu gối thấp hơn hông; tay đặt ngang với bàn làm việc để giảm áp lực đè nén lên cột sống, gân, cơ, khớp vùng cổ vai gáy.
Ngủ đúng tư thế
Tư thế ngủ không đúng cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hiện tượng đau vai gáy. Để cải thiện tình trạng này, khi ngủ, người bệnh nên chú ý: nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, không nằm sấp vì tư thế này sẽ gây áp lực cho vùng cổ vai gáy; chọn gối kê có độ cao và độ mềm phù hợp, sao cho đầu ngang với cổ; nằm nệm có độ đàn hồi tốt, không quá cứng hoặc quá mềm để có thể nâng đỡ cơ thể.
Uống đủ nước
Đây là thói quen tốt, không chỉ giúp thúc đẩy lưu thông máu diễn ra thuận lợi mà còn cấp nước cho đĩa đệm, giúp cho bộ phận này trở nên chắc khỏe và dẻo dai. Từ đó tăng khả năng chịu lực và giảm đau cổ vai gáy hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần bổ sung đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
Bác sĩ Hồng Ánh khuyến cáo, đau cổ vai gáy có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như tuổi tác, chấn thương, tính chất công việc, bệnh lý… Do đó, khi các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng cổ vai gáy như mất cảm giác, sưng, biến dạng, mất khả năng vận động, sốt… người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nguồn: VnExpress
@metadoc.vn 7 thói quen tàn phá xương khớp trước khi về già #thoiquenxau #thoiquenxaunentubo #benhxuongkhop #metadoc
@metadoc.vn Dân văn phòng hay đau lưng bỏ túi tips này ngay #learnontiktok #benhvanphong #phongbenhhontribenh👍👍👍 #daulung #giamdaulung #metadoc